728 x 90

Khô rắn, khô chuột đồng miền Tây thử gan thực khách

Khô rắn, khô chuột đồng miền Tây thử gan thực khách
Ngoài cá khô, vùng sông nước miền Tây còn có nhiều loại khô khác tuy ngon nhưng không phải ai cũng dám thử bởi vẻ ngoài kỳ dị.
CanhDep.net

Khô rắn, khô chuột đồng hay khô nhái là những món gây "ám ảnh" như vậy.

Khô rắn

Mùa nước nổi ở miền Tây các loài rắn nước, rắn bông súng sinh sôi, phát triển mạnh. Rắn nhiều quá ăn không hết, người miền Tây nghĩ ra cách làm khô. Nổi tiếng nhất là xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi có các lò chế biến khô rắn độc nhất miền Tây mà ít ai dám “bén mảng” đến. Mùa mưa lũ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, các hộ làm nghề ở đây sẽ tập trung sản xuất, cho ra những mẻ khô rắn và các sản phẩm làm từ rắn.

Rắn mang về được cắt tiết, lột da, róc xương lấy thịt. Sau đó, nguyên liệu được ướp gia vị theo tỷ lệ gia truyền tùy từng nhà rồi cán mỏng thành từng miếng dẹt, đem phơi dưới nắng chừng 2 đến 3 ngày. Khâu phơi rất quan trọng, quyết định tới độ tươi ngon của thành phẩm. Nếu không may mẻ khô gặp phải thời tiết âm u dễ bị chua. Mẻ khô rắn ngon, đạt yêu cầu phải cầm dẻo tay, từng thớ khô kết lại thành khối, màu sắc hồng tự nhiên, tươi tắn. Bình quân cứ 4 kg rắn tươi sẽ cho ra một kg rắn khô.

Khô rắn khô chuột đồng miền tây thử gan thực khách

Tuy là món đặc sản ngon nức tiếng ở miền Tây nhưng nhiều người vẫn không dám thử bởi bị ám ảnh về vẻ ngoài trơn tuột đáng sợ của những chú rắn lúc còn sống. Giá 350.000 đồng cho một kg khô rắn. Ảnh: Thanh Lâm

Có nhiều cách thưởng thức khô rắn nhưng phổ biến và đơn giản nhất là làm gỏi cùng xoài xanh, cóc chua hoặc lá sầu đâu. Khô rắn nướng chín, bên ngoài hơi xém còn bên trong ngọt tự nhiên, thơm lừng khi làm gỏi sẽ là mồi nhậu hấp dẫn của cánh đàn ông.

Khô chuột đồng

Đứng đầu danh sách các loại khô “kinh dị” của miền Tây phải kể đến khô chuột đồng. Đây là đặc sản nổi tiếng ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Chuột đồng ở miền Tây có 2 loại chính là chuột cơm và chuột cống nhum. Có thể săn chuột đồng quanh năm, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Song ngon nhất, vẫn là chuột bắt sau vụ gặt. Mùa thu hoạch lúa cũng là lúc bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt, vừa cải thiện bữa cơm gia đình, vừa phơi khô để làm món ngon miệt đồng đãi khách.

Cách chế biến khô chuột đồng thơm ngon, được dân nhậu truyền tai nhau là vùi vào than củi nóng, khi chín lấy ra đập dập sạch than chấm muối tiêu chanh, hoặc chặt miếng vừa chiên nhỏ lửa đến khi giòn rụm, ăn vừa bùi, vừa ngậy, béo, lại có vị cay cay, thơm thơm của các loại gia vị.

Khô rắn khô chuột đồng miền tây thử gan thực khách

Giá cho mỗi kg khô chuột dao động từ 170.000 đến 220.000 đồng. Người miền Tây xem thịt chuột đồng như đặc sản nhưng đối với nhiều du khách phương xa, việc nếm thử món ăn này là cả một thử thách. Ảnh: Lương Cao Dũng.

Khô "vũ nữ chân dài"

Nhái cơm quanh năm có ở vùng đồng ruộng miền Tây như An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp... Khi trời xẩm tối, chúng cất tiếng kêu thành bản hợp xướng của đồng quê nên người nông dân có thể dùng đèn soi để chụp bắt. Do sống trong môi trường hoang dã, thịt nhái khi chế biến lại dai ngon và rất thơm nên được xếp vào hàng đặc sản.

Khô rắn khô chuột đồng miền tây thử gan thực khách

Tuy nhiên, hình ảnh những con nhái đã được lột da, thân hình dài sọc nằm trên những tấm gỗ phơi ngoài nắng khiến nhiều người bị ám ảnh. Ảnh: Trọng Bình.

Nhái được chọn làm khô là những con nhái cơm nhỏ. Sau khi lột da, chúng được tẩm ướp gia vị gồm muối, tiêu, ớt cho thấm đều và xếp trên tấm gỗ đem phơi khô, khi đó chỉ còn bằng ngón tay. Do thơm ngon nên dân nhậu đặt cho loài khô này những cái tên khá mỹ miều như “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia”...

Khi nhái còn tươi, người dân miền Tây thường nấu canh chua, kho tiêu, ram với sả nghệ hoặc nấu món cà ri... Còn khi thành món khô nhái, người ta sẽ chế biến ra nhiều món ăn khá thú vị như nướng, chiên mắm hoặc chiên giòn chấm nước mắm me... Giá cho mỗi kg khô nhái hiện nay khoảng 550.000 đồng.

Lê Thương