Những người dân làng chài ở Thanh Hóa cho biết cá nhệch rất khó bắt, chúng thường cư trú ở đáy vùng đầm phá ven bờ, vùng cửa sông, ruộng lúa. Mình cá trơn nhẫy nên chỉ bắt được bằng cách ra cửa biển đóng đáy hoặc dùng những chiếc xiên cá ba răng to và chắc khỏe để đâm. Cá nhệch rất khỏe và hung dữ, sống được trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn.
Cá nhệch hình dáng bên ngoài có nét giống lươn hoặc rắn. Ảnh: Hạc Thành. |
Làm gỏi cá không khó nhưng muốn thơm ngon đòi hỏi người làm phải thao tác thật nhanh để cá tươi và không bị tanh. Nhệch sau khi bắt về được làm sạch nhớt bằng tro hoặc nước vôi loãng. Sau khi mổ bụng bỏ ruột, đầu và đuôi, người ta lọc xương và thịt riêng. Người làm phải thật khéo léo và tỉ mỉ trong khâu lọc cá để cá không bị nát và không dính xương dăm.
Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.
Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở nga sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
Gỏi cá không thể thiếu rau sống ăn kèm. Ảnh: dulichvn |
Nhiều người lần đầu thưởng thức món ăn lạ miệng này thích thú với cách cuốn gỏi. Trước hết bạn phải lấy một lá sung hoặc lá ổi bánh tẻ làm vỏ đựng, sau đó xếp lần lượt lá lộc nhòn, mơ, hung quế, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà… Việc chọn lá tùy theo sở thích riêng của mỗi người. Tiếp đến là cuốn thành hình phễu và nhồi gỏi nhệch vào giữa, tưới nước chẻo nhệch lên trên. Cuối cùng là hành khô, gừng, ớt lát mỏng rắc vào cùng. Có thể đậy miếng bánh đa vừng lên trên tùy khẩu vị. Thực khách phải khéo léo khi cuốn gỏi sao cho vừa miệng nhất.
Cảm nhận đầu tiên khi nhai là vị giòn giòn, hơi chát của các loại rau, tiếp đến là vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi dai giòn của gỏi cá, vị cay, nồng, thơm, nóng của gừng, xả, ớt… Cảm giác ngọt, béo, bùi, xen lẫn giòn dai mềm và thơm mát khiến người ăn thấy ngon miệng vô cùng, ăn bao nhiêu cũng không thấy chán.
Người dân Nga Sơn khi thiết khách bằng gỏi cá nhệch, sẽ bày ra mâm cùng với chai rượu nếp. Trong bữa cơm rượu quây quần, chủ khách cùng thưởng thức gỏi cá, vừa trò chuyện nhâm nhi chén rượu cay nồng, vừa cuốn gỏi mời nhau ăn, thể hiện sự mến khách và lối sống giản dị, nghĩa tình.
Đến nay, gỏi cá nhệch xuất hiện nhiều trong các nhà hàng, quán ăn, trở thành đặc sản xứ Thanh được bạn bè xa gần biết đến. Món ăn còn là niềm tự hào, thể hiện sự tinh tế, sáng tạo trong nét văn hóa ẩm thực của người dân miền biển Nga Sơn.
Lê Thương