rau càng cua mọc tự nhiên, xanh tốt hơn sau những trận mưa, mọc ở khắp bờ ruộng, vườn chuối, góc ao, bụi bầu… đâu đâu có đất ẩm là càng cua mọc lên xanh um. Có khách xa tới nhà, chỉ cần cắp chiếc rổ con, quơ vài cái đã được lưng rổ, chao qua vài lần nước cho sạch, lộ ra những lá rau hình trái tim xanh non mơn mởn.
Thứ rau mọng nước này dùng để trộn gỏi, bóp dấm là đúng bài nhất. Nhà miệt vườn, có gì trộn nấy. Chuẩn bị cầu kỳ thì làm món rau càng cua trộn thịt bò dầu giấm. Thịt bò sau khi tẩm ướp gia vị thì đảo qua trên chảo nóng phi hành thơm, rồi phải để nguội mới trộn, nếu không muốn thứ rau mỏng manh bị thịt nóng làm tái, mất vị.
Đơn giản hơn thì chút tôm khô, da heo, hay nhúm tép đất… trong nhà có thứ gì thì mang ra trộn mời khách, người miền Tây hiền hậu là vậy. Thứ quan trọng của món này là phải pha được nước dầu giấm ngon, tạo được vị chua ngọt vừa miệng, giữ được hồn của món gỏi trộn. Dầu ăn phi tỏi cho thơm, bỏ xác tỏi, pha giấm hoặc nước cốt chanh, thêm chút đường, muối tiêu, ớt bằm nhuyễn nếu muốn ăn cay. Chỉ cần rắc thêm đậu phộng rang, trộn đều, vài lát cà chua xếp quanh đĩa, là có món gỏi rau càng cua ngon miệng và bắt mắt.
Gỏi rau càng cua dân dã đẹp mắt, ngon miệng. |
Vị chua chua hơi the từ lá rau giòn xốp cùng với bùi bùi của đậu phộng, cay cay của trái ớt xanh vườn nhà, mằn mặn của miếng tôm khô, tất cả hòa quyện với nhau thành một vị đặc biệt nhưng thật dân dã, hơn tất cả, là hương vị của miền đồng ruộng quê nhà từ sâu thẳm trong ký ức.
Không chỉ làm gỏi, rau càng cua cũng là thứ rau sống cùng với cải xanh, đọt xoài, rau thơm… mà người Nam Bộ hay ăn cùng với bánh xèo, bánh cống.
Nếu có dịp về miền Tây, hãy cắp rổ ra vườn “quơ” rau càng cua và thưởng thức những món ăn dân dã nhưng nhớ mãi từ thứ rau mọc dại này.
Bài và ảnh: Thanh Tuyết