728 x 90

Câu chuyện về người tu sĩ giống Tổng thống Obama ở đồi sim

Câu chuyện về người tu sĩ giống Tổng thống Obama ở đồi sim
Trong ký ức của tôi vẫn phảng phất hình ảnh đồi sim nở hoa tím rực vào những đêm trăng, người đàn ông với đôi mắt rực lửa như đôi mắt của mèo hoang về đêm, khuôn mặt với những đường...
CanhDep.net
Trong ký ức của tôi vẫn phảng phất hình ảnh đồi sim nở hoa tím rực vào những đêm trăng, người đàn ông với đôi mắt rực lửa như đôi mắt của mèo hoang về đêm, khuôn mặt với những đường gân méo mó, mỗi lần nói cơ mặt đều chuyển động, chở sim, bầu bí trên chiếc xe bò ra chợ chia cho những người nghèo và đổi gạo… Hình ảnh đó đã ám ảnh tôi suốt thời thiếu nữ.
Tìm kiếm trên google ông tu sĩ có khuôn mặt giống tổng thống Obama trong 0,38 giây cho 624.000 kết quả. Bỏ qua chuyện mà ai cũng biết đó, tôi tìm đến Phương Bối am vào ngày đầu năm 2015 với cuộc điện thoại của vị tu sĩ có tên đời thường nguyễn đức vân  ấy: “Sim đang nở rực triền đồi, đêm trăng”. Vậy là có cớ thúc giục tôi lên đường.

Tôi cùng cô bạn gái làm cho một tờ tạp chí đang tìm đề tài Xuân vượt qua chặng đường 200km trên chiếc xe máy từ TP.HCM và đến Đại Lào trong chập choạng chiều hiu hiu buồn của thị trấn cao nguyên. Gió rừng đã níu cái lạnh se se xuống.

Thị trấn lèo tèo mấy ngôi nhà lụp sụp bên cạnh cái chợ cũng lụp sụp với vài mẹt rau củ quả bày bán còn sót lại trong cái ngáp khó cưỡng của chị bán hàng. Tìm mãi mới thấy nhà trọ để có chỗ đặt lưng cũng là lúc trăng phía sau đồi nhú lên cùng cơn đói cồn cào và cùng lúc, vị tu sĩ gọi điện, mời dùng bữa chay đạm bạc giữa rừng sim.


Câu chuyện về người tu sĩ giống tổng thống obama ở đồi sim

“Chỉ thấy trái tim mềm trên lá cỏ”
Phương Bối mang nhiều kỷ niệm với thiền sư Thích Nhất Hạnh một thời trốn ồn ào phố thị, ẩn dật cùng chim chóc và thơ ca, hiện ra giữa ánh trăng bàng bạc và núi rừng còn ưu ái vẻ hoang sơ. Đến đây tôi mới nhận ra tại sao trong rất nhiều lá thư tình của Trịnh Công Sơn từ vùng đất B’Lao này chỉ toàn thấy ông tặng trăng, sao, sương mù, hoa dại… cho  cô nàng Dao Ánh ở xứ Huế mà ông yêu. Có lẽ vì nơi đây không có gì ngoài những thứ ấy! Nhưng giờ đây nhờ những giọt mồ hôi mặn chát dằng dặc chục năm của vị tu sĩ có khuôn mặt giống Tổng thống Obama thì cả thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhạc sĩ họ Trịnh không thể biết được là vẫn còn những vạt sim, những đồi sim.

Vị tu sĩ đứng lưng đồi sim đón chúng tôi trong bộ áo nhà chùa xám nhạt, gầy, đanh nụ cười tuột dốc không phanh. Bữa cơm chay với rau rừng vừa hái và khoai lang vừa đào trên đồi trong râm ran những câu chuyện về thơ ca, về con đường đến với thiên nhiên của vị tu sĩ cùng câu chuyện như là cổ tích vì sao lại có đồi 5.000 gốc sim này.

Ông kể, ngày bé một lần thấy mẹ chân đất từ trong rừng đi ra, trên gùi củi là một vốc sim chín, cùng vài cánh hoa sim tím mong manh. Lúc đó ông ước sau này lớn lên sẽ trồng một đồi sim cho mẹ. Và rồi cách đây 10 năm, ông đã thực hiện điều ước ấy khi một mình giữa cái nóng đến xém da đào từng gốc sim trong rừng đem về trồng ở đồi Phương Bối này. Ông một mình căng bạt lập am sống giữa chốn hoang sơn cùng cốc với sim.
Hằng ngày ông tỉ mẩn chăm sóc từng đọt sim mới nhú, nâng niu từng cánh rễ sim mới bén, rồi chắt từng giọt nước cho sim. Ai cũng cho ông là “có vấn đề” về thần kinh. Người ta phá rẫy, rừng để trồng cà phê, chè, hoa màu, đằng này ông lại đi vào rừng sâu tha từng gốc sim về trồng với mục đích cho người đời ngắm hoa tặng nhau trái ăn cho nụ cười tím... răng. Ông chỉ cười.

10 năm khổ hạnh, cật lực để cải tạo tự nhiên mỗi ngày ươm một cây, mỗi ngày đón những nhành hoa mới, cứ thế  tím cả đồi sim, tím cả đồi sim như trong thơ Hữu Loan. Bây giờ 5.000 cây, đồi Phương Bối đã ngút ngàn xanh lá, tím hoa, thành nơi hò hẹn của biết bao đôi lứa, thành nơi nên vợ, nên chồng của biết bao mái ấm gia đình.

Tôi nhớ mãi hình ảnh vị tu sĩ tuổi đời mới lưng lửng nửa con dốc, nhưng cằn và cỗi, lâu lâu lại cưỡi trên chiếc xe cub 50 gỉ sét rề rề từ Bảo Lộc về Sài Gòn, cột phía sau là mấy chai mật sim, ít quả sim, ít nhánh hoa sim làm quà tặng bạn bè nghệ sĩ hay ngồi ở cà phê Động Hoa Vàng của thi sĩ phạm thiên thư .

Câu chuyện về người tu sĩ giống tổng thống obama ở đồi sim
Hình ảnh tu sĩ đức vân trong một buổi đào khoai trên đồi sim 

Sau bữa cơm chay đạm bạc nhưng tình... vàng, vị tu sĩ dẫn chúng tôi lang thang trên đồi sim. Ông chỉ tay vào những tảng đá nặng từ vài tạ đến cả tấn do nhiều người từ khắp nơi tặng. Ông khoe: “Những tảng đá này sẽ được đặt khắp đồi sim, khắc lên đó những bài ca dao, dân ca, những bản nhạc đi liền cùng năm tháng để  bất cứ ai đến đây càng thêm yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước ”.

Ông khoe xong thì tự thả mình trong miên man tiếng cười, tự thả những ngón tay dài gân guốc chạm vào đá. Khi tiếng cười của ông dứt thì tiếng thơ vang, không biết là nó vang từ cái vách ngực khô đét như tảng đá xù xì ngực ông hay từ chính mặt đá trầm ngâm triệu năm kia:

“Đá câm lặng giữa bốn bề gió nổi

Đá ban mai mà ta đã về chiều

 Bám lên đá mới biết mình bằng phẳng

 Đá se trời sắc sảo đến cô đơn..”.

Rồi cái ánh trăng bàng bạc thêu dệt nên bóng của ông, từ cái bóng ấy những câu hát liêu trai nhờ gió thì thầm, nhờ hương của mật sim đưa đẩy:
“Chưa bao giờ ta hiểu ngộ và mê
Chỉ thấy trái tim mềm trên lá cỏ
Những đêm sương rơi ướt nỗi vô cùng
Ta liếm nhẹ lên trên từng chiếc lá
Thấm vị mặn đất trời không sao tả
Của tình thương vô lượng quả đất này”
Có thể đây sẽ mãi là khoảnh khắc mà tôi khó quên. Cả một đồi sim phủ đầy trăng “Trăng ôm choàng mái đồi” như một câu thơ của vị tu sĩ và phủ đầy tiếng hát đam mê, liêu trai ấy.
Câu chuyện về người tu sĩ giống tổng thống obama ở đồi sim

Điều ít ai biết về vị tu sĩ có tên đời thường là Đức Vân

Người giống Obam, ừ, ai cũng biết. Một vị tu sĩ thích làm thơ, sáng tác nhạc, ừ, ai cũng biết. Một người nông dân trồng sim, ừ, ai cũng biết. Từ nhỏ ông phải sống như một con thú hoang trong rừng, không phải ai cũng biết.

Năm 12 tuổi, ông trốn nhà vào một ngôi chùa nhỏ với khát khao được học chữ. Không phải ai cũng biết.  Nhưng có một điều rất ít ai biết tuy là cả đời ăn chay, sống khổ hạnh, tu hành nhưng trong ông luôn rừng rực một trái tim đòi yêu, khát yêu. “Làm sao tôi đứng thăng bằng, ô hay!” vị tu sĩ thú nhận.

Khi nghe tôi hỏi, dời xa trần tục nhưng vì sao trong thơ của ông vẫn vương víu nhiều hình ảnh “nude” không chỉ của nàng... thơ? Ông đã không đắn đo trả lời bằng một bài thơ với giọng đọc rất hào sảng:

“Các em hai trái quá căng
Làm sao tôi đứng thăng bằng, ô hay!
Nhờ trời trái đất mới quay
Còn tôi đứng lặng ngây ngô ra nhìn
Tất cả đều phải nín thinh
Riêng thằng ba xạo vừa rình vừa đi”

Và vị tu sĩ lý giải, làm sao một cái thằng sinh ra lớn lên với giống đực mà không yêu giống cái, không bao giờ có điều đó xảy ra, nhưng mà có như thế nào là tùy mình.

Chia tay Bảo Lộc, chia tay đồi trăng Phương Bối, tôi mang theo hình ảnh vị tu sĩ với đôi mắt luôn rực lửa như một con mèo hoang dại trên một trái đồi tách xa với phố xá nhộn nhịp ngoài kia… với khát khao hát, khát khao hòa quyện với thiên nhiên cỏ cây và ước mơ tạo một vườn ca dao khắc trên đá lẩn khuất ở những gốc sim già kia…
Một số hình ảnh so sánh với Tổng thống Obama:
Câu chuyện về người tu sĩ giống tổng thống obama ở đồi sim

Câu chuyện về người tu sĩ giống tổng thống obama ở đồi sim

Câu chuyện về người tu sĩ giống tổng thống obama ở đồi sim

Tu sĩ Đức Vân đã xuất bản 2 tập thơ: Người đẹp; Cánh hoa vừa hé.
2 CD nhạc: Màu yêu thương; Hoa trái ngây thơ… với những tác phẩm ngợi ca tình yêu thiên nhiên, cuộc sống được nhiều ca sĩ nối tiếng thể hiện khá thành công như Thanh Thúy, Thùy Dương, Hồng Hạnh, Xuân Phú, NSƯT Tạ Minh Tâm…
Những bài thơ phổ nhạc của tu sĩ Đức Vân giản dị, không cầu kỳ trải chuốt nhưng lay động lòng người bởi sự sâu sắc, thiết tha, như Màu yêu thương, Đá núi, Vườn mẹ như mơ, Đồi trăng Phương Bối...

Bài: Xuyến Chi
(Ảnh: xuyến chi và Tư liệu)