728 x 90

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây

Bánh lá dừa, món quà quê miền Tây
Chiếc bánh với vị thơm của nếp dẻo, ngọt bùi của nhân dừa, đậu xanh và thoang thoảng hương thơm của lá dừa trở thành món quà dân dã cho du khách khi đến miền Tây Nam Bộ.
CanhDep.net

bánh lá dừa được bày bán nhiều ở các chợ vùng sông nước Cửu Long. Nguyên liệu để làm bánh dừa không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp, chuối, đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhân. 

Để làm bánh dừa ngon, người ta phải cẩn thận ngay từ khâu chọn gạo. Loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước. Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch.

Những quả dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen hoặc đậu xanh trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.

Bánh lá dừa món quà quê miền tây

Những chiếc bánh dừa với vị thơm thơm của nếp, vị bùi của cơm dừa đã trở thành món quà quen thuộc của người dân miền Tây. Ảnh: MuLan

Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa băm nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.

Những chiếc lá dùng để gói bánh là loại còn hơi non, có màu vàng nhạt. Lá mềm, non thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp. Khi gói, người ta chồng lá dừa thành các lớp, cho gạo nếp rồi nhân và gói lại.

Khi gói, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon.

Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên.

Anh Phương