728 x 90

Bài học từ một mô hình đón khách Trung Quốc thành công

Bài học từ một mô hình đón khách Trung Quốc thành công
Từng là điểm nóng khi các tour đón khách Trung Quốc bị ép giá, Lạng Sơn đã dẹp bỏ được tình trạng này, hoạt động kinh doanh du lịch dần đi vào nề nếp.
CanhDep.net

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết vào năm 2004, khi mở cửa khẩu Hữu Nghị đón khách trung quốc sử dụng giấy thông hành vào Việt Nam bằng đường bộ, du lịch Lạng Sơn trở nên hỗn loạn bởi tình trạng hướng dẫn viên hoạt động chui, doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng kinh doanh diễn ra phổ biến. Nhằm ngăn chặn, mô hình đón khách Trung Quốc theo Quy chế 849 đã ra đời và được thực hiện thí điểm, bắt đầu từ năm 2009.

Quy chế 849 là Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy thông hành vào Việt Nam tham quan du lịch của Bộ Công an ký năm 2004. Theo đó, khách Trung Quốc có giấy thông hành được Việt Nam cấp thẻ du lịch thời hạn trong vòng 30 ngày và được đi lại trong phạm vi cả nước bằng các loại phương tiện.

Theo mô hình này, Tổng cục Du lịch chọn ra 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế uy tín để đón khách (câu lạc bộ 849), phía Trung Quốc cũng chọn 4, sau đó nâng lên thành 10 công ty đưa khách sang. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Lạng Sơn được Tổng cục Du lịch ủy nhiệm triển khai và theo dõi.

Hoạt động đón khách Trung Quốc hiệu quả

Ông Lưu Đức Kế, giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ 849, cho biết để kiểm soát chặt chẽ các tour phục vụ khách Trung Quốc, hai bên phải đàm phán để đi đến thống nhất. Các công ty Trung Quốc phải chấp nhận một mức giá sàn cho tour du lịch. Đổi lại, công ty đón khách ở Việt Nam phải cam kết các dịch vụ như ở khách sạn 2 sao trở lên; thực đơn đủ 8 món một canh; tuyến điểm tham quan được phía Trung Quốc chọn đưa vào chương trình; không đưa khách đến casino; điểm shopping phải đạt chuẩn và chịu trách nhiệm về giá, chất lượng; hướng dẫn viên tiếng Trung phải có thẻ...

Để làm được những điều này, ông Kế cho biết khó khăn lớn nhất là quá trình tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc, gồm cả doanh nghiệp và Cục Du lịch Bằng Tường. Các công ty du lịch nước này phản ứng vì trước đây họ chỉ phải trả giá tour rất thấp và được nợ tiền.

"Tuy nhiên khi đàm phán, chúng ta minh bạch các khoản chi như khách sạn, ăn uống, xe cộ, hướng dẫn viên, lợi nhuận được hưởng. Họ thấy đúng nên phải đồng ý", ông Kế nói. Với quy chế này, trong hợp đồng ký kết với công ty Trung Quốc, điều kiện là họ phải ứng tiền trước 80%, 20% còn lại trả chậm nhất sau 5 ngày khi tour kết thúc nếu không có vấn đề phát sinh. "Nếu vi phạm, Cục Du lịch Bằng Tường sẽ thay mặt trả và loại công ty du lịch đó khỏi cuộc chơi", ông Kế nhấn mạnh sự đồng thuận của các cơ quan chức năng là rất quan trọng.

Ngoài ra, câu lạc bộ họp 6 tháng một lần để lắng nghe các ý kiến, tháo gỡ các vướng mắc khi đưa và đón khách Trung Quốc. Để giải quyết tình trạng tour leader (trưởng đoàn) Trung Quốc "vận động" khách mua hàng để nhận hoa hồng, câu lạc bộ yêu cầu các cửa hàng ký kết. Ông Kế cho biết: "Nếu để xảy ra tình trạng khiếu kiện, cửa hàng phải đền một gấp 10, thậm chí bị đóng cửa. Do đó, họ không dám bán quá đắt, hàng nhái. Các công ty lữ hành Việt "bán cái" cũng bị kỷ luật, khai trừ khỏi câu lạc bộ. Việc này được làm nghiêm nên sau đó các đơn vị thực hiện rất đúng quy chế".

Bài học từ một mô hình đón khách trung quốc thành công

Khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng gần 47% so với cùng kỳ. Ảnh: Xuân Ngọc

Sau 5 năm thực hiện, tổng lượt khách Trung Quốc câu lạc bộ đón được là hơn 146.000 lượt, thu về 230 tỷ đồng. Ông Kế cho biết lãi gộp trên một đầu khách Trung Quốc thông qua mô hình 849 là 12-13 USD/khách/tour (gần 300.000 đồng), tương đương với khách Pháp du lịch bằng đường hàng không. Tuy số lượng khách không nhiều, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Du lịch hiệu quả nhìn thấy rõ, chất lượng dịch vụ được đảm bảo và hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao. Nhờ áp dụng chế độ báo cáo mỗi khi tour kết thúc, lượng khách Trung Quốc về không đúng thời hạn cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ông Kế cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của mô hình này khi có sự chênh lệch năng lực giữa các công ty đón khách Trung Quốc trong câu lạc bộ. Một số công ty không quảng bá, tiếp thị, mà chỉ chờ đến hạn ngạch để đón khách. "Điều này tuy không phù hợp với cơ chế thị trường, nhưng để được những cái lớn chúng ta phải chấp nhận hy sinh những cái nhỏ hơn", ông Kế giải thích.

Kinh nghiệm đón khách Trung Quốc

Tình trạng lộn xộn ở Nha Trang, Đà Nẵng thời gian qua có nhiều nét tương đồng với du lịch Lạng Sơn chục năm trước. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng có sự khác nhau về tính chất khi đón khách Trung Quốc các địa phương này. Mô hình ở Lạng Sơn dùng để đón khách Trung Quốc nhập cảnh bằng giấy thông hành qua biên giới đường bộ. Tại Đà Nẵng, Nha Trang, khách Trung Quốc chủ yếu nhập cảnh bằng đường hàng không.

Ông Tuấn đánh giá từ một số thành công của mô hình này có thể áp dụng ở các địa phương. Trong đó, Tổng cục trưởng nhấn mạnh: "Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam phải được phát huy bởi việc để ra tình trạng núp bóng, hướng dẫn viên là có sự tiếp tay của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, chúng ta trước hết phải xử lý các doanh nghiệp này".

Ông Vũ Thế Bình cho rằng Trung Quốc là một thị trường đặc thù và cần có cách quản lý riêng như một số nước gồm Thái Lan, Campuchia đã làm trong thời gian gần đây. Nhớ lại thời gian bắt đầu mô hình này, ông Bình khi đó là Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) đã cùng câu lạc bộ đấu tranh với các công ty du lịch Trung Quốc để giữ mức giá sàn, phân khách cho các công ty theo hạn ngạch thay vì để họ tự lựa chọn công ty ở Việt Nam để gửi khách. Ông kể có lúc ông còn bị họ vu khống "ăn tiền trên đầu khách".

Tuy nhiên, theo ông Lưu Đức Kế, chính sự minh bạch trong các khoản chi, sự kiên quyết, không nhượng bộ với những yêu cầu vô lý từ phía Trung Quốc như nợ tiền, giảm giá tour, sự đoàn kết của các công ty du lịch trong câu lạc bộ đã giúp mô hình này hoạt động thành công và hiệu quả.

Ông Kế cho biết có thể áp dụng quy định khách du lịch theo quy chế 849 phải đi tour trọn gói và theo tuyến điểm cố định. "Luật Du lịch Trung Quốc quy định khách đi du lịch theo đoàn phải mua tour trọn gói. Do đó, có thể vận dụng Luật nước họ để quản lý theo các điểm tham quan, mua sắm trong chương trình".

Ngoài ra, trong tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế 849, Tổng cục Du lịch đánh giá, bài học kinh nghiệm lớn nhất đạt được từ việc triển khai mô hình này chính là sự thống nhất chủ trương và hành động của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ, đồng thuận và sự vào cuộc của các ngành, từ chính quyền.

Xem thêm: Không bất chấp đón khách Trung Quốc bằng mọi giá