728 x 90

5 điều kỳ thú ở Sơn Đoòng

5 điều kỳ thú ở Sơn Đoòng
Khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ bên trong hang Sơn Đoòng vượt quá trí tưởng tượng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
CanhDep.net

Được công nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, Sơn Đoòng - tỉnh Quảng Bình, ẩn chứa nhiều bí mật mà các nhà khoa học chưa thể giải mã. Đây cũng là một điểm đến mà du khách phương Tây sẵn sàng trả giá tour 3.000 USD (khoảng 63,6 triệu đồng) nhưng phải xếp hàng đợi sau năm 2016 vì đã kín chỗ từ nay đến thời điểm đó.

1. Được phát hiện trong một ngày mưa

Năm 1991, Hồ Khanh, một người dân địa phương, tình cờ phát hiện hang sơn đoòng khi ông lánh vào cửa hang để tránh mưa. Bẵng đi một thời gian, mãi đến năm 2009 khi đoàn thám hiểm hiệp hội hang động hoàng gia anh đến khu vực thăm dò, hồ khanh mới báo cho họ.

5 điều kỳ thú ở sơn đoòng

Một phần nóc hang bị sập từ cách đây vài thế kỷ. Nhờ đó, nước mưa và ánh sáng mặt trời có thể lọt vào đây, tạo điều kiện thuận lợi cho cây cối phát triển trong lòng hang. Ảnh: Huffington Post.

Phải khó khăn lắm ông mới tìm lại được cửa hang vốn nằm sâu trong rừng già với địa hình khá hiểm trở, cách xa đường lớn và không thể nhìn thấy với google earth . Nhờ ông dẫn đường, đoàn thám hiểm đã đi sâu vào hang chụp ảnh, đo đạc và thu thập dữ kiện khoa học. Hồ Khang mô tả: “khi bước vào cửa hang thì cảm thấy rõ luôn có một luồng gió mát lạnh trong hang thổi tốc ra, tiếng gió rít qua vách đá nghe lạnh người…”.

2.  Có thể chứa một tòa nhà 40 tầng

Hang Sơn Đoòng có chiều rộng 150 m , cao hơn 200 m, dài ít nhất 5 km. Chiều dài thực tế của hang có thể còn sâu hơn mức các nhà khoa học ghi nhận được. Tuy nhiên, các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh không thể đi hết chiều sâu của hang do điều kiện kỹ thuật giới hạn.

Dù vậy,  với kích thước đã ghi nhận, Sơn Đoòng đã vượt qua hang deer ở vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia (cao 120 m , rộng 150 m, dài 2 km) để được công nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

5 điều kỳ thú ở sơn đoòng

Bởi sự rộng lớn của hang, các nhà thám hiểm phải khác vất vả để đưa được các thiết bị đo đạc, chụp ảnh vào bên trong để phục vụ công tác nghiên cứu. Ảnh: sondoongcave.

Ngoài ra, một số đoạn bên trong hang Sơn Đoòng có kích thước tới 140 m x 140 m, trong đó có các cột nhũ đá cao 14 m. Nhiếp ảnh gia carsten peter từng chụp một tấm ảnh ghi nhận đoạn hang có bề rộng khoảng 91,44 m, vòm hang cao gần 243,84 m, nghĩa là có thể chứa lọt một toà nhà cao 40 tầng bên trong.

3. Được hình thành từ 5 triệu năm trước

Theo tài liệu khoa học, hang Sơn Đoòng hình thành khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Trải qua hàng triệu năm, dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày thành vòm hang khổng lồ.

4. Thế giới động thực vật phong phú

Do trần của hang Sơn Đoòng đã bị sụp đổ từ nhiều thế kỷ trước nên trong lòng hang có một khu rừng tươi tốt, được các nhà thám hiểm đặt tên là rừng Eden. Khu rừng này là nơi sinh sống của bầy khỉ và lũ dơi quạ. Rất nhiều loại cây dương xỉ, cọ, dây leo phủ xanh từ bên ngoài đến bên trong hang.

Các hồ cổ, thác nước, dòng sông bên trong lòng hang hình thành thảm tảo thực vật phong phú.

Đặc biệt, các nhà thám hiểm còn phát hiện loài ngọc trai được hình thành trong quá trình nước nhỏ giọt, tạo nên tinh thể canxit trên những hạt cát.

5. Vì sao hạn chế du khách đến hang Sơn Đoòng

Sở dĩ hang Sơn Đoòng hạn chế đón du khách là do yếu tố bảo vệ cảnh quan và môi trường. Hiện tại, các bí ẩn về thế giới động thực vật bên trong hang vẫn chưa được giải mã hết. Vì vậy, hang Sơn Đoòng chào đón các nhà thám hiểm, chuyên gia nghiên cứu sinh học hơn là du khách đến vì tò mò.

Theo Thế giới văn hóa