Bungy jumping (hay còn gọi là bungee jumping - nhảy bungy) là trò chơi cảm giác mạnh mà người chơi nhảy xuống từ một khối kiến trúc cao nào đó trong tư thế hai chân bị cột sợi dây. Đó có thể là từ cây cầu, cần cẩu hay tòa nhà. Người chơi sẽ rơi tự do trong khoảng vài giây với tốc độ chóng mặt và sau đó được kéo ngược trở lên bởi sự đàn hồi của sợi dây.
Bungy Jumping, trò chơi hấp dẫn đã có tuổi đời một phần tư thế kỷ. Ảnh: favhdwallpapers.com. |
Lịch sử bungy đã ghi nhận từng có những nhóm nhỏ lẻ thực hiện các cú nhảy bungy ở một vài nơi như Anh, Mỹ (khoảng năm 1979, 1980) nhưng hoạt động thương mại đầu tiên được tổ chức có hệ thống của môn nhảy bungy lại có nguồn gốc từ New Zealand.
Vào ngày 12/11/1988, AJ Hackett, một thợ mộc, nhân viên bán sách giáo khoa và cũng là người chơi nhảy cầu tuyết cùng Henry van Asch, một nông dân, người chơi trượt tuyết tốc độ cao, mở một công ty nhỏ trong chiếc xe buýt của họ để thu hút những du khách có “máu liều” tham gia nhảy bungy tại cầu Kawarau, Queenstown.
“Nơi tiếp khách lúc đó chỉ là một chiếc bàn nhỏ” - Hackket nhớ lại. “Chúng tôi cũng không tin rằng bungy jumping lại có thể tồn tại lâu đến thế và cũng chẳng biết mình có thể tiếp tục hoạt động này qua từng ấy năm. Từ cú nhảy đầu tiên, chúng tôi biết đó là một điều gì thật sự đặc biệt”.
AJ Hackett (phải) và Henry van Asch là hai người đã khai phá và mở rộng môn bungy jump. Ảnh smh.com.au. |
Từ khi khai trương với cú nhảy từ độ cao 43 m, hoạt động kinh doanh của công ty nhanh chóng đi lên. Van Asch cho biết: “Nhảy bungy là một kiểu thử thách tâm lý và sức mạnh vật lý của cơ thể, mang đến cho bạn sự phấn chấn sau khi trải nghiệm. Cảm giác ấy có thể theo bạn suốt cả đời. Có người chỉ mất vài phút, vài giờ và số khác mất vài ngày, vài tháng đến vài năm để có thể quyết định nhảy bungy. Tất cả mọi người sau khi đã tiếp đất an toàn đều thốt lên rằng ‘Thật tuyệt, bây giờ tôi đã có thể làm bất cứ điều gì!’”.
Từ khi xuất hiện, ước tính có khoảng 4,5 triệu người trên khắp thế giới đã nhảy bungy và môn thể thao này đã phủ mạng lưới ra toàn cầu, từ Australia, Pháp, Đức, Indonesia đến Macau, nơi đang nắm kỷ lục về độ cao bungy 233 m.
Ý tưởng về môn nhảy bungy của Hackett đến từ Vanuatu, đảo quốc nằm ngoài khơi Thái Bình Dương ở Nam bán cầu. Trong buổi lễ trưởng thành, các cậu bé trong bộ tộc bản địa sẽ phóng xuống mặt đất từ trên tháp cao đóng bằng cây rừng và mắt cá chân được buộc vào sợi dây leo dẻo dai. Hackett đã học tập và thay thế bằng loại dây chão có tính đàn hồi gọi là bungy.
Khoảng 100.000 người mỗi năm tham gia nhảy bungy tại New Zealand, nơi vẫn được xem là thánh địa của trò chơi thót tim này. Ảnh: sallyd.wordpress.com. |
Ngày 12/11/2013, AJ Hackett và Henry van Asch gặp nhau tại Queenstown, New Zealand, cùng 400 người tổ chức buổi lễ kỷ niệm 25 năm đầy ý nghĩa.
Qua hơn hai thập kỷ, Van Asch đã nhảy khoảng 600 lần còn Hackett hơn 1.000 lần gồm cả kỷ niệm nhảy bất hợp pháp từ trên tháp Eiffel (Paris, Pháp) năm 1987 và nhiều lần từ máy bay trực thăng.
Riêng người viết bài này từng thử chơi bungy jump tại Chiang Mai, Thái Lan với độ cao 50 m từ trên một chiếc cần cẩu, bên dưới là ao nước sâu. Cảm giác đứng từ trên nhìn xuống đã khiến tôi mất hai lần ngập ngừng trước khi la hét một cách bản năng khi quyết định dang tay và đổ người ra khoảng không trước mặt. Nghẹt thở trong giây lát và vỡ òa trong sung sướng vì… còn sống, đồng thời đã vượt qua được chính mình là những ký ức không bao giờ quên.
Kinh nghiệm duy nhất là hít một hơi và liều một phen. (Thật ra rất an toàn bởi dây treo và các phương tiện đều được kiểm tra qua quy trình nghiêm ngặt). Sau khi hoàn thành cú nhảy lịch sử của bản thân, mỗi người sẽ nhận được bằng chứng nhận hẳn hoi.
Hoài Nam