Khi nhìn kỹ vào cửa sổ của khoang hành khách trên máy bay, bạn sẽ phát hiện ra kính cửa sổ được tạo thành từ 3 lớp riêng biệt, thường được làm bằng vật liệu acrylic. Trong số này, mục đích của lớp acrylic trong cùng (thường được gọi là “lớp chống xước”) là để bảo vệ cho 2 lớp phía ngoài.
Lớp ở giữa (là lớp được đục “lỗ thở”) và lớp ngoài cùng có vai trò quan trọng hơn. Khi máy bay tăng độ cao, áp suất khí bên trong và bên ngoài máy bay đều sẽ sụt giảm, song mức độ giảm áp suất ở phía bên ngoài máy bay sẽ cao hơn rất nhiều – lý do là bởi hệ thống cân bằng áp suất bên trong máy bay sẽ giữ cho áp suất của khoang lái và khoang hành khách ở mức an toàn và dễ chịu cho con người. Trong mọi trường hợp, áp suất bên ngoài máy bay luôn thấp hơn áp suất bên trong máy bay.
Marlowe Moncur, giám đốc công nghệ tại GKN Aerospace, một công ty đi đầu trong ngành sản xuất cửa sổ máy bay cho biết:
“Mục đích của lỗ thở nhỏ nằm trên tấm giữa là để cân bằng giữa áp lực bên trong khoang hành khách và khoảng trống nằm giữa các tấm acrylic, do đó áp lực của khoang hành khách sẽ chỉ ảnh hưởng tới tấm ngoài cùng”.
Trong trường hợp tấm acrylic ngoài cùng không thể chịu được áp lực (gần như không bao giờ xảy ra) và bị nứt vỡ, tấm giữa sẽ đóng vai trò thay thế cho tấm ngoài. Dĩ nhiên, “lỗ thở” nhỏ trên tấm giữa sẽ cho một luồng khí nhỏ đi qua, song hệ thống cân bằng áp lực của máy bay vẫn có thể dễ dàng giải quyết hiện tượng này.
Bret Jensen, một chuyên viên kỹ thuật hàng không cao cấp tại bộ phận phát triển máy bay thương mại của Boeing cho biết về một công dụng khác của “lỗ thở” nhỏ này: Nó giúp ngăn ngửa hơi ẩm và tuyết bám tụ trên cửa sổ. Điều này lý giải vì sao cửa sổ của bạn không bị mờ đặc mỗi lần máy bay đi qua các đám mây.
Trong những chuyến bay dài, một lớp tuyết mỏng có thể tích tụ trong khu vực xung quanh lỗ thở. Nhiệt độ tại độ cao của chuyến bay có thể giảm xuống tới mức -57 độ C. Hiện tượng tuyết mỏng tích tụ là do “nước ngưng tụ khi khí từ cabin tiếp xúc với bề mặt lạnh của cửa sổ”.
Theo Khoahocthuvi