Người dân tộc Chăm sống ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tập trung nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Chế độ mẫu hệ vẫn còn lưu truyền trong văn hóa sống của người Chăm từ xưa đến nay. Trong đó người con gái út thừa hưởng tất cả tài sản do cha mẹ để lại và có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ về già hay thực hiện những nghi lễ tín ngưỡng khi cha mẹ qua đời.
Người con trai Chăm được cha mẹ nuôi nấng đến tuổi cặp kê, lấy vợ, có nghĩa vụ chăm sóc gia đình bên vợ và ở bên nhà vợ cho đến khi qua đời. Đến lúc làm lễ nhập Kut, người con trai mới quay trở lại bên gia đình và dòng họ mẹ.
Một nghi lễ trong ngày cưới. Ảnh: Lamchieu. |
Người Chăm còn lưu giữ nhiều tập tục đặc sắc, được lưu truyền đến ngày nay. Những tập tục đã có luôn được người Chăm thực hiện và tuân theo một cách nghiêm ngặt. Đó cũng là một trong những cách mà người xưa truyền dạy nhằm phần nào răn đe hay giáo dục bản tính rất hay và hiệu quả, trong đó có tập tục “cấm ân ái ba đêm đầu” sau khi cưới của đôi vợ chồng người Chăm.
Đối với người Chăm, tuy rằng con trai được con gái cưới về nhà ở rể nhưng người chủ động tìm kiếm và tán tỉnh phải là người con trai, cho đến khi nào hai người yêu nhau, hiểu và hợp nhau rồi đi đến quyết định lấy nhau thì khi ấy, người con gái mới thực hiện những tập tục cưới hỏi theo truyền thống.
Lễ cưới của người Chăm phải diễn ra theo một tuần tự nhất định. Khi vừa quen nhau cha mẹ nhà gái sẽ đến ra mắt xin được qua lại giữa hai gia đình, sau một thời gian sẽ là lễ dặm hỏi để xin ngày cưới chính thức. Cưới xong sẽ là lễ trả áo cho cha mẹ chàng trai, đến đây hai vợ chồng mới chính thức là của nhau, được ân ái và sống với nhau đến trọn đời.
Cha mẹ đỡ đầu trao nhẫn cưới cho cô dâu và chú rể. Ảnh: Lamchieu. |
Người Chăm rất khắt khe trong việc quan hệ ân ái trước hôn nhân. Cả hai vợ chồng phải là người trong sạch, lễ cưới mới được tiến hành theo đúng tục lệ. Nếu cô gái có thai trước khi cưới mà gia đình không hay biết, vẫn tiến hành lễ cưới theo thông tục thì sẽ bị thần linh trách phạt, suốt cuộc đời hai vợ chồng sẽ không làm ăn phát đạt và luôn xảy ra những điều không hay.
Ong Inâ Amâ (cha mẹ đỡ đầu) là chủ nhân của hôn lễ. Trước khi cưới, cha mẹ hai bên phải đem bánh trái đến nhà người thân trong gia đình họ hàng để thỉnh họ làm Ong Inâ Amâ cho hôn lễ. Vào đầu giờ chiều ngày thứ 4 thượng tuần trăng của tháng 3, 6, 10, 11 (Chăm lịch) ứng với tháng 7, 9, 1, 2 (dương lịch), cha mẹ đỡ đầu của nhà trai sẽ dẫn chú rể đến nhà gái và trao tay chàng trai cho cô dâu, cha mẹ đỡ đầu nhà gái.
Lễ tục, trà nước và rượu thịt xong xuôi mọi người ra về sẽ còn lại cô dâu, chú rể và cha mẹ đỡ đầu trong một gian nhà cổ kính của gia đình. Ở đó cha mẹ đỡ đầu sẽ dặn cô dâu và chú rể trong ba đêm đầu tiên không được ân ái với nhau, nếu phạm phải sẽ bị Po Yang (thần linh) trách phạt. Ngoài việc dặn dò Ong Inâ Amâ còn trải hai cái chiếu dưới nền nhà, cái trên đè lên cái dưới cách mép 20 cm. Ở giữa chiếu sẽ đặt một mâm quả trầu, cau, hai vợ chồng sẽ ngủ dưới nền nhà trong ba đêm đầu tiên, mâm quả sẽ đặt ở giữa hai vợ chồng.
Một bữa cơm thân mật của họ hàng hai bên khi mọi lễ tục diễn ra xong xuôi. Ảnh: Lamchieu. |
Trong ba đêm đầu tiên hai vợ chồng chỉ được trò chuyện với nhau, không có bất cứ ý niệm nào về nhục dục. Lúc ngủ trò chuyện cũng không được quay lưng với nhau. Cha mẹ đỡ đầu sẽ ngủ ngoài phòng the để canh giữ hai vợ chồng. Đến sáng thứ 7 của thượng tuần trăng trong tháng (tức 3 ngày sau cưới), hai vợ chồng sẽ làm mâm lễ đem đến nhà cha mẹ chàng trai để làm lễ trả áo. Lễ tục trả áo vừa xong cha mẹ đỡ đầu sẽ vào phòng the dỡ khay mâm quả đặt ở dưới chiếu, đến lúc này hai vợ chồng mới được ân ái với nhau.
Tục cấm ân ái ba đêm đầu là nét đẹp của người Chăm nhằm giáo dục bản tính con người phải kìm nén dục tính. Trong cuộc sống người Chăm đã cấm quan hệ ân ái trước hôn nhân thì ba đêm sau ngày cưới chính là ba đêm mà hai người yêu thương nhau tìm hiểu nhau để khỏi phải ngỡ ngàng, e thẹn khi bắt đầu chính thức cuộc sống vợ chồng.
Putra Jatrai