728 x 90

Thụy Sĩ, thiên đường ở Trung Âu

Thụy Sĩ, thiên đường ở Trung Âu
  Engelberg nơi thiên thần cư ngụ Thụy Sĩ có nhiều ngôi làng cổ kính, đẹp và long lanh như một miền cổ tích, trong đó Englelberg...
CanhDep.net
Thụy sĩ thiên đường ở trung âu
 
engelberg nơi thiên thần cư ngụ
Thụy Sĩ có nhiều ngôi làng cổ kính, đẹp và long lanh như một miền cổ tích, trong đó Englelberg được lữ khách từ khắp thế giới chú ý hơn cả. Về mặt địa lý, Engelberg chỉ là ngôi làng hẻo lánh dưới thung lũng, bao quanh bởi dãy núi dài nhất châu Âu - Apls. Từ Việt Nam, để đến Engelberg tính cả thời gian quá cảnh và chuyển tàu mất khoảng 16 giờ đồng hồ, nhưng bù lại, cảnh quan của ngôi làng Engelberg dưới chân đỉnh Titlis thực sự khiến du khách quên ngay đi cảm giác mệt mỏi của đường xa, để sẵn sàng hòa mình vào bức tranh phong cảnh tuyệt trần nơi làng cổ.
Thụy sĩ thiên đường ở trung âu
 
Cư dân Engelberg chỉ khoảng 5.000 người, và hầu hết đều làm du lịch, phục vụ trung bình 1 triệu lượt du khách đến tham quan hàng năm, bởi thế không gian của làng cổ Engelberg với kiến trúc nhà ở đặc trưng kiểu Thụy Sĩ luôn gây ấn tượng với du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vẻ đẹp ngôi làng thể hiện rõ từ phiến đá lót đường, từ ô cửa sổ được trang trí bằng hoa lá đầy màu sắc. Đi khắp nơi trong Engelberg, nhìn quanh thấy đâu cũng là góc đẹp.
Thụy sĩ thiên đường ở trung âu
 

Những ngày rong ruổi ở miền đất này, bất kỳ người làng nào cũng sẵn lòng giới thiệu và lý giải tên gọi về ngôi làng thân yêu của họ. Chuyện xưa kể rằng vị sáng lập tu viện Biển Đức (Benedictine) là Konrad von Sellenburen, khi việc xây dựng tu viện hoàn tất năm 1120, ông nhìn lên núi Hennenberg và nghĩ đến chuyện đặt tên cho ngôi làng, ông nghe thấy một dàn hợp xướng hát mừng thượng đế vang vọng trong không gian, và đặt tên cho nơi ấy là “núi thiên thần” - Engelberg. Còn người cư ngụ trong làng nhận mình là người của núi thiên thần cho đến hôm nay.

Rong chơi ở Lucerne

Không có biển, nhưng đất nước Thụy Sĩ có rất nhiều hồ nước ngọt khổng lồ, và tuyến đường sông dài đến 550km. Đi bất kỳ đâu trong đất nước Thụy Sĩ, chỉ trong bán kính khoảng 15km du khách sẽ được đối mặt với một dòng sông hoặc một hồ nước tuyệt đẹp. Và Lucerne, tên gọi của thành phố, cũng là tên gọi của một trong bốn hồ nước lớn và đẹp nhất trên đất nước Thụy Sĩ.

Thụy sĩ thiên đường ở trung âu
 
Thụy sĩ thiên đường ở trung âu
 

Từ Engelberg về Lucerne, khi rời khỏi nhà ga trung tâm, cây cầu cổ Chapel trong danh sách 10 cây cầu nổi tiếng nhất thế giới chính là điểm nhấn gây cuốn hút du khách, với câu chuyện lịch sử trải qua bao thăng trầm, chiến tranh phá hủy, hỏa hoạn, kiến trúc ấy cho đến nay vẫn vẹn toàn, trở thành một huyền thoại cầu gỗ nổi danh khắp thế giới. Đi xa hơn vào khu phố trung tâm, mảng điêu khắc vào vách đá trứ danh của đất nước Thụy Sĩ chính là hình ảnh “Sư tử buồn” - một biểu trưng về tinh thần chiến đấu quả cảm và can trường của chiến binh Thụy Sĩ - được thể hiện một cách hết sức sống động và tinh tế, khiến người đời ví von và ca ngợi là giọt nước mắt của nghệ thuật điêu khắc hằn in trên lớp đá bụi thời gian. 

Lucerne còn nổi tiếng với những thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ, với la liệt các cửa tiệm từ nhỏ đến lớn, cỡ như khu mua sắm của nhà Bucherer có lịch sử hình thành từ 1888. Người Thụy Sĩ thật khéo làm kinh doanh, bởi ở các cửa tiệm đồng hồ, mức giá của mỗi chiếc đồng hồ nếu quy ra tiền Việt có thể từ 300 ngàn lên đến hơn 1 tỷ. Bởi thế, bất kỳ du khách nào khi đã ghé qua các cửa hiệu mua sắm đồng hồ, thật khó kìm lòng trước những mời gọi đầy hấp dẫn của các thương hiệu trứ danh, để khi bước ra khỏi tiệm, ai trong tay cũng chí ít một chiếc đồng hồ làm kỷ niệm.

Bên dòng sông Aare

Được mệnh danh là thành phố Gấu nằm ven dòng sông Aare, chính là Bern, với hơn 800 năm tuổi - Di sản văn hóa của toàn nhân loại, và là thành phố cổ đẹp nhất của đất nước Thụy Sĩ cùng cả vùng trung âu , thực sự là một điểm đến nghỉ dưỡng, mua sắm, ngoạn cảnh khó có thể bỏ qua cho mọi hành trình du ngoạn trên đất nước Thụy Sĩ.

Len lỏi trong thành cổ Bern mỗi ngày, giây phút được du khách đón chờ nhất là màn trình diễn của những nghệ sĩ dưới chân tháp đồng hồ thiên văn Zytglogge - một trong ba đồng hồ cổ nhất Thụy Sĩ - ở cổng thành phía Tây của Bern. Màn trình diễn miêu tả lại câu chuyện xây dựng toà tháp nổi tiếng của thành Bern. Đồng thời, đúng 12 giờ trưa mỗi ngày, khi tiếng nhạc chuông nơi tháp đồng hồ vang lên, du khách được chứng kiến đỉnh cao của nghệ thuật chế tác cơ khí trong bộ máy đồng hồ gồm chú gà trống, chàng hiệp sĩ, cùng sư tử, gấu, rượt đuổi nhau… đầy ngoạn mục.

Từ tháp đồng hồ Zytglogge, tiếp tục xuôi theo con đường mua sắm về hướng đông trên đường Kramgasse, du khách thường để ý đến ngôi nhà số 49, chính là ngôi nhà của thiên tài Albert Einstein. Con đường này cũng sở hữu các đài phun nước - một biểu trưng cho vẻ đẹp và sự thịnh vượng của toàn thành phố. Mỗi đài phun nước ở đây là một câu chuyện thú vị về các nhân vật ngụ ngôn ở thời kỳ Phục Hưng. Đài nước Zahringerbrunnen mang hình con gấu, tưởng nhớ lại người sáng lập ra thành phố này là Berchtold von Zahringer trong chuyến đi săn bên dòng Aare, con vật ông săn được đầu tiên là Gấu, và ông lấy tên gọi ấy đặt tên cho thành phố.  

Bern có một điểm đến yêu thích khác ngoài thú vui loanh quanh phố cổ, chính là khu vườn hồng Kirchenfeldbrucke, nơi có hơn 220 giống hoa hồng được sưu tập từ khắp nơi trên thế giới. Từ điểm cao ở vườn hồng nhìn xuống thung lũng, Bern nằm gọn gàng bên dòng sông Aare, nơi những ngôi nhà ngói đỏ uốn lượn, đều tăm tắp, hình thành nên một thành phố thời trung cổ có quy hoạch đẹp nhất châu âu từ xa xưa cho đến tận hôm nay.
Lam Phong/TST Tourist