728 x 90

Món ngon đặc trưng ở miền Tây

Món ngon đặc trưng ở miền Tây
Ngoài đặc sản là sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, miền Tây còn nổi tiếng bời những món ăn khiến du khách "đi dễ khó về". 
CanhDep.net

Bún nước lèo Cà Mau

Bún nước lèo Cà Mau ngày nay đã du nhập nhiều nơi. Song ngồi thưởng thức tô bún nước lèo ngay tại một quán bún ở Cà Mau bạn mới cảm nhận hết vị thơm, ngon đậm đà của món ăn này.

Bún nước lèo được nấu với cá lóc, tôm, mực và thịt nạc. Mắm dùng để nấu nước dùng phải là loại mắm ngon, mùi đặc trưng mới làm nên hương vị của tô bún. Sợi bún vừa phải, trắng và trong nằm xêm xếp trong tô dưới lớp nước lèo đang nghi ngút khói sẽ làm du khách thèm không chịu nổi.

Rau ăn kèm với bún nước lèo thường là giá hẹ, xà lách và các loại rau thơm. Về Cà Mau ăn đồ biển hay ăn bất cứ gì cũng được, nhưng nhất thiết phải thử một lần món bún nước lèo để cảm nhận hết vị ngon ngọt của vùng đất mũi.

Bánh tét cốm dẹp Trà Vinh

Món ngon đặc trưng ở miền tây

Bánh Tét cốm được người Trà Vinh gói vào các dịp lễ Tết.

Bánh tét cốm dẹp là món ăn truyền thống của người Khmer vào Tết cổ truyền và dịp lễ hội. Bánh tét được gói từ cốm dẹp (nếp non) và nước dừa tuổi để bánh thơm và ngọt thanh. Nhân bánh chủ yếu là nhân đậu xanh truyền thống. Bánh tét cốm dẹp được gói bằng lá chuối xiêm hoặc lá lùng chứ không dùng lá dong.

Điều đặc biệt là bánh không cho vào nồi nấu như bánh tét thường hay bánh chưng. Để bánh bảo toàn vị dẻo của nếp, vị thơm ngọt của nhân, người ta thường đem hấp cách thủy. Bánh tét cốm dẹp thường được dùng sau bữa ăn chính và là món quà được nhiều du khách ưa thích.

Lạp xưởng bò An Giang

Món ngon đặc trưng ở miền tây

Tung lò mò là đặc sản của người Chăm An Giang.

Lạp xưởng bò hay tung lò mò là loại lạp xưởng nổi tiếng chỉ có ở An Giang. Đây là món ăn truyền thống của người Chăm, vì họ không ăn thịt lợn nên sáng chế ra món lạp xưởng bò để dùng trong bữa ăn hàng ngày hoặc dịp lễ tết.

Nguyên liệu chính để làm món này là thịt bò đem băm nhuyễn ướp thêm đường, tiêu, bột ngọt và ngũ vị hương rồi đem dồn hết vào ruột heo. Sau đó cột thành từng khúc, đem phơi rồi nướng là thành phẩm. Lạp xưởng bò thường được ăn kèm với bún, bánh hỏi hay cuốn bánh tráng với các loại rau sống.

Bánh pía Sóc Trăng

Bánh pía từ lâu đã trở thành thương hiệu của Sóc Trăng bởi nơi đây là cái nôi của loại bánh vừa thơm ngon, béo ngọt này. Mỗi khi về miền tây , người ta lại nhắc nhau "nhớ mua bánh pía làm quà" vì bánh pía vừa ngon, giá cả lại phải chăng.

Bánh pía Sóc Trăng có nhiều lớp vỏ xốp mềm, mỏng nhân đậu xanh kết hợp với sầu riêng bùi bùi và trứng muối beo béo là lựa chọn tuyệt vời cho những buổi trà chiều hoặc đãi khách đến chơi nhà. Bánh pía Vũng Thơm và Tân Huê Viên là hai thương hiệu lớn và nổi tiếng được nhiều du khách gần xa lựa chọn mỗi khi mua ăn hay làm quà biếu.

Cháo lòng Cái Tắc

Món ngon đặc trưng ở miền tây

Cháo lòng Cái Tắc là đặc sản của Hậu Giang.

Cháo lòng là món ăn dân dã phổ biến ở khắp nơi. Nhưng cháo lòng Cái Tắc (Hậu Giang) được chế biến theo công thức riêng với độ ngon đặc trưng của vùng đất Hậu Giang. Cháo lòng Cái Tắc lấy lòng thực khách gần xa bởi độ vừa phải chứ không đặc như nhiều nơi khác, nước cháo lại rất ngọt và thơm.

Đúng với tên gọi cháo lòng, tô cháo đầy đủ bộ phận của lòng heo với tim, gan, phèo, lưỡi, cật và thịt. Cháo lòng ăn kèm với giá sống, rau đắng hay rau má, chấm nước mắm nhĩ thì "ngon phải nói" như nhận xét của nhiều thực khách. Khu vực chợ Cái Tắc là nơi tập trung nhiều quán cháo lòng ngon nhất.

Quay lại

Theo Ngoisao