Lớn thứ hai sau yangon , mandalay là trung tâm thương mại nhộn nhịp và một kho lưu trữ văn hóa myanmar cổ đại. Được đánh giá là một phòng trưng bày nghệ thuật và kiến trúc Myanmar, Mandalay nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc đá, gỗ, bạc, đúc đồng, làm vàng lá, thảm trang trí, vải lụa, và nghệ thuật và thủ công truyền thống khác.
Không nhất thiết phải theo chân những người hành hương, bạn hãy dành một ngày khám phá thành phố theo cách riêng mình. Thuê một chiếc xe đạp thồ, phương tiện giao thông phổ biến ở đây để đi loanh quanh khu vực trung tâm thành phố.
Cung điện Mandalay và hệ thống hào nước độc đáo. |
Đầu tiên là cung điện Hoàng gia Mandalay. Nằm trong một khuôn viên vuông vức rộng 413 ha, cung điện này nổi tiếng ở hệ thống tường thành được xây dựng kiên cố, tinh xảo và hào nước đẹp bao quanh.
Cung điện bằng gỗ được xây dựng năm 1857-1859, khi vua Mindon đưa thủ đô từ Amarapura về Mandalay, dựng dựa trên những tính toán thiên văn và điềm tốt lành ngay dưới chân đồi Mandalay. Là nơi ở của hai vị vua cuối cùng: Mindon và Thibaw, cung điện kiêm chức năng pháo đài này có hệ thống tường thành dài 2 km, cao 8 m, dày 3 m, với 48 bệ phóng pháo. Thành có 12 cửa đại diện cho 12 dấu hoàng đạo. Mỗi mặt tường có 3 cửa được chia với khoảng cách đều giữa cửa và các góc. Phía ngoài có một hào nước rộng 64 m, sâu 4,5 m bao quanh. Người ta tin rằng, phía dưới hào nước trước đây còn có hệ thống chông, gai nhằm bẫy kẻ thù trong trường hợp bị tấn công.
Dù toàn bộ cung điện phía trong bị thiêu rụi vì bom trong thế chiến 2, nhưng hệ thống tường và hào nước bên ngoài vẫn tồn tại đến ngày nay. Cung điện được dựng lại hoàn chỉnh từ năm 1989, do bộ khảo cổ phụ trách và trở thành một điểm thu hút khách du lịch.
Những chiếc xe đạp và xe máy chở khách tại Mandalay. |
Nơi tiếp theo là làng nghề trạm khắc đá truyền thống Kyauksittan. Nằm trên con đường 48, cạnh cổng phía tây của chùa Mahamuni Image, không gian của làng mù mịt bụi đá pha với bụi của con đường gồ ghề dọc làng. Làng được thành lập ngay sau khi vua Mindon xây dựng thành phố Mandalay.
Ngoài những chuỗi đá đeo tay hay một số đồ vật trang trí nội thất, sản phẩm chính của làng đá là tượng Phật đủ kích cỡ 12 cm - 12 m, cung cấp cho toàn Myanmar. Người dân trong làng cho hay, đá làm tượng được lấy từ đồi Sakyin Taung, cách làng khoảng 56 km. Tuy nhiên, ngôi làng khoảng 80 gia đình này có khả năng phải rời khỏi thành phố do gây nạn ô nhiễm tiếng ồn và không khí.
Dành một tiếng ghé chợ mở trong khu vực, điều thú vị nhất chính là cái không khí chẳng khác gì một chợ mở tại Việt Nam, nếu không để ý đến sự khác nhau về ngôn ngữ. Những người bán hàng tại chợ cũng bày bán hàng hóa, trên những chiếc mâm để trên thau chậu dễ di chuyển xen kẽ với những sạp hàng đóng cố định.
Hàng hóa cũng đa dạng từ đồ khô đến đồ tươi, từ đồ ăn uống đến đồ dùng trong gia đình. Thực phẩm của người Myanmar khá tương đồng với thực phẩm tại Việt Nam với những loại rau, cá, hoa quả của vùng nhiệt đới. Tiếng rao bán, mời chào, trả giá cũng râm ran quanh chợ.
Đoàn sadi trẻ đi khất thực vào buổi sáng mỗi ngày. |
Nhưng điều ấn tượng nhất nơi đây là hình ảnh và tinh thần Phật giáo hiện diện mọi nơi dù không ghé thăm đền chùa. Hình ảnh Đức Phật và màu áo cà sa của người tu hành thấp thoáng trên đường phố Mandalay. Theo chân một đoàn Sadi trẻ (là những trẻ em Myanmar xuất gia vào chùa tu tập) đi khất thực trên đường phố Mandalay, đeo chiếc bát đen trước ngực, họ cứ chân trần bước đi trên đường phố, với tốc độ nhanh gấp đôi người đi bộ thông thường. Họ chỉ dừng lại khi gặp người dân đứng chờ sẵn trước cửa nhà hoặc trên đường phố, lần lượt nhận từng muỗng đồ ăn vào bát. Khi bát đầy thì quay lại tu viện kịp giờ ăn trưa, chuẩn bị cho giờ kinh sách buổi chiều.
Không nói quá khi gọi nơi đây là một trung tâm hành hương, học tập dành cho những tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Nơi đây tu viện, đền chùa còn gìn giữ ý nghĩa Phật giáo nguyên thủy sâu đậm nhất tại Myanmar.
Kim Dung