lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội này được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được nhà Lê cử lên lạng sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh, sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng. Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, vào đúng Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa. Ngày 27 sẽ rước kiệu quay ngược lại, đặc biệt ngày 27 diễn ra lễ cướp đầu pháo, theo quan niệm dân gian ai cướp được đầu pháo năm ấy sẽ gặp may mắn tài lộc.
Kiệu Long Đình của quan lớn Tuần Tranh gồm 20 nam người Tày, Nùng khiêng. Đoàn rước đi vòng qua các dãy phố, đến ngã ba, ngã tư lại thực hiện động tác quay vòng thu hút sự chú ý của du khách.
Kiệu Bát Cống rước ông Thân Công Tài.
Hai bên đường có đoàn rước đi qua, các gia đình bày biện mâm lễ để cầu an, cầu lộc, cầu tài.
Tương truyền, nhà nào được đội múa lân, múa rồng đến xông đất sẽ làm ăn may mắn, phát đạt trong cả năm.
Múa rồng, sư tử đi trước dẫn đường với nhiều màn biểu diễn hấp dẫn.
Múa sư tử mèo của người Nùng trong lễ hội.
Dòng người nườm nượp đi theo đoàn rước kiệu, chật kín các con phố. Chị Ngô Thùy Anh (Quế Võ, Bắc Ninh) cho hay, hầu như năm nào gia đình chị cũng đi lễ các đền tại Lạng Sơn và đều được theo dõi màn rước kiệu tại lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ.
Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống sinh động, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong tỉnh và khách thập phương dịp đầu năm. Lực lượng chức năng đã tổ chức hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông và trật tự lễ hội.