728 x 90

HDV du lịch VN kém ngoại ngữ, chỉ giỏi ép khách mua hàng lưu niệm?

HDV du lịch VN kém ngoại ngữ, chỉ giỏi ép khách mua hàng lưu niệm?
Gần 30 năm làm du lịch, tôi chứng kiến những đổi thay tích cực ở nhiều điểm đến và sự phát triển đáng tự hào khi ngành du lịch đã vượt qua những thăng trầm khách quan và chủ quan. Nhưng tôi...
CanhDep.net
Gần 30 năm làm du lịch, tôi chứng kiến những đổi thay tích cực ở nhiều điểm đến và sự phát triển đáng tự hào khi ngành du lịch đã vượt qua những thăng trầm khách quan và chủ quan. Nhưng tôi vẫn buồn và áy náy khi thấy đây đó còn kiểu làm du lịch thiếu trách nhiệm, môi trường xuống cấp, thiếu tôn trọng khách...

“Ép” khách mua hàng lưu niệm

Với một số thị trường khách như Nga, Trung Quốc… có lý do đặc thù nên bị giảm sút. Còn các thị trường du khách phát triển như châu Âu, châu Đại Dương và Bắc Mỹ cớ sao cũng ít ỏi vậy? Lượng khách quốc tế giảm đáng kinh ngạc so với cùng kỳ những năm trước khiến Hiệp hội Du lịch việt nam và nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Hiệp hội đã đề xuất Chính phủ cởi mở một số chính sách và tháo gỡ khó khăn đầu vào nhằm phục hồi ngành du lịch như miễn visa, giảm thuế…

Tháng trước, một hướng dẫn viên tiếng Anh đưa đoàn 6 khách sang trọng đến huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bằng thuyền để thăm chợ nổi nhưng bị họ phản ứng dữ dội. Nhóm khách chất vấn tại sao đưa họ đến thăm nơi đầy… rác. Cũng chuyện rác, mới tuần rồi, tôi có chuyến công tác ở Phú Quốc thấy ngại vì du khách tắm cùng rác tại bãi biển gần dinh Cậu. Bãi biển này đẹp tuyệt vời như bãi Sao nhưng khắp nơi toàn là rác. Rồi bến tàu An Thới, với biết bao tàu thuyền du lịch đưa khách đi câu cá hằng ngày nhưng dưới nước cũng đầy rác. Bãi biển ông Lang nhếch nhác, nồng nặc mùi hôi, du khách muốn dừng lại chụp hình phải nín thở.

Ký ức không bao giờ quên về Phú Quốc đối với tôi là cách đây không lâu, khi đoàn khách của công ty đi thăm đảo theo chương trình 4 giờ, gồm: thăm bảo tàng, chợ, chùa và 20 phút tại cửa hàng bán ngọc trai. Thế nhưng, người hướng dẫn đoàn lại đưa khách vào cửa hàng bán ngọc trai hơn 1 giờ. Khách than phiền người hướng dẫn đã cắt các chương trình tham quan để kéo dài thời gian tại điểm bán ngọc trai. Cuối cùng, tôi phải giảm 50% chi phí tour thăm Phú Quốc cho cả đoàn.

Khổ vì kém ngoại ngữ

Nhiều nơi phát triển du lịch nhưng trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên và nhân viên vẫn còn rất kém. Tại Quy Nhơn (Bình Định), muốn có được 10 hướng dẫn viên nói tiếng Anh giỏi không dễ dàng. Tại Hạ Long, Hải Phòng cũng thế, rất hiếm có được người giỏi ngoại ngữ...

Một chuyện đau lòng xảy ra hồi đầu năm 2015. Trên đường từ TP HCM đến Vũng Tàu, khách hỏi hướng dẫn viên tiếng Anh vì sao có nhiều phụ nữ mang khẩu trang che mặt trên đường? Anh này trả lời: Đeo khẩu trang để khỏi hít không khí bị ô nhiễm và nhiều phụ nữ Việt Nam sợ ánh nắng mặt trời làm đen da nên không thích da đen (they do not like dark skin).
Vài phút sau, mọi người nghe tiếng khóc của một nữ du khách. Thì ra, du khách này là một người da đen đang ngồi bên người chồng da trắng. Mọi người trên xe bắt đầu quay ánh mắt qua người hướng dẫn vì dịch tiếng Anh gây hiểu lầm. Đến nơi, anh hướng dẫn tìm tôi phân bua rằng không có ý gì cả nhưng du khách nghĩ anh phân biệt chủng tộc! Tôi hiểu, nhưng cách nói tiếng Anh như thế thật là tai hại.

Trong quá trình phục vụ khách du lịch, vẫn còn rất nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh”. Khoảng 3 tháng trước, khi giao đoàn cho một hướng dẫn viên tiếng Anh tại Đà Nẵng, anh này giận dỗi và nói với nhân viên trong công ty: “Các anh nghĩ sao mà đưa cho tôi hướng dẫn chỉ có 2 khách!”. Thế là anh hướng dẫn vứt lại tờ chương trình bỏ về. Lúc ấy làm sao có hướng dẫn viên thay thế nên tôi phải lên xe hướng dẫn tạm thời… Thật ra, đây là 2 vị khách sang nhất và chịu chi nhất của đoàn, mua phòng penthouse trên con tàu 6 sao. Vì an toàn cho khách nên chúng tôi không thông báo thân phận của khách mà chỉ phục vụ với sự quan tâm và giám sát khéo léo, không làm khách lo lắng buồn phiền. Ai ngờ người hướng dẫn lại chê.

Trên lịch trình từ Đà Nẵng rồi Hội An, 2 vị khách này rất hài lòng nhưng đến trưa nhất định đòi về lại cảng Chân Mây của Huế (nơi tàu neo đậu) để lên tàu ăn trưa rồi quay lại. Thắc mắc quá, cả đi và về chỉ ăn trưa thôi đã mất 4 giờ. Hỏi ra mới vỡ lẽ, khách thấy hàng quán trưng bày món ăn la liệt không vệ sinh, không nắp đậy, nhiều quán ăn khách xả giấy rác trắng cả nền… nên không dám ăn.

Không phải cứ đặc sản là khách thích!

Món ăn của Việt Nam rất đa dạng phong phú theo vùng miền nên dễ hấp dẫn du khách nhưng không phải món nào cũng giới thiệu với du khách được. Chẳng hạn, đặc sản miền Tây như chuột nướng, rắn hầm sả, tiết canh dơi… rất xa lạ với khách phương Tây nên phải cẩn thận, không tùy tiện giới thiệu phục vụ khách. Mới đây, tôi chiêu đãi 2 chủ hãng tàu người Úc ăn trưa ở một nhà hàng nổi tiếng, khách rất thích món cá chiên ăn với bún nhưng tôi đã khéo léo thuyết phục khách đổi món. Vì sao? Món này có nơi dùng mỡ chó để chiên và khách sẽ không còn cảm giác ngon miệng nếu biết điều này.

Phan Xuân Anh / Theo Người lao động