Từ thành phố Vinh, đi ngược theo đường 48 sẽ đưa bạn đến với huyện miền núi quỳ hợp , nơi địa đầu phía tây bắc xứ Nghệ. Theo người dân nơi đây, chè đâm có nguồn gốc từ dân tộc Thái bản địa, là thứ đồ uống quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Ngày nay, chè đâm được nhiều người biết đến, trở thành món đồ uống phổ biến không chỉ ở Quỳ Hợp, mà còn xuất hiện trong nhiều quán ăn, nhà hàng ở thành phố Vinh. Đây cũng là đồ uống đặc sản dùng để đãi khách.
Để có được bát nước chè đâm phải mất nhiều thời gian và công đoạn hơn so với pha chè xanh bình thường. Chè xanh chọn lá bánh tẻ, hái về đem rửa sạch, cho vào cối ống tre già giã nhuyễn. Nếu chọn lá già quá, nước chè sẽ bầm đen trông không ngon. Hoặc chè non quá, nước sẽ đắng chát.
Điều đặc biệt là khi hái lá chè cho vào cối, người dân còn ngắt cả cành thành từng đoạn nhỏ và ngắn. Bởi theo quan niệm phải có cả lá và cành, lúc đâm chè mới không bị nát và nước cốt mới giữ được màu xanh và mùi thơm đặc trưng.
Công đoạn giã cũng cần phải lưu ý đều tay để chè không nát quá. Nấu chè phải chọn thứ nước mưa ngọt lành hay nước giếng đá sỏi thì mới dậy lên mùi và vị ngọt đậm đà khó quên. Chè sau khi giã nhỏ sẽ cho nước sôi vừa đun vào làm chín chè, sau đó lọc thêm vài lần với nước sôi để nguội là hoàn thành.
Mùa đông chè đâm được uống nóng, mùa hè cho vào ngăn mát tủ lạnh uống cả ngày, vừa thanh mát, vừa sảng khoái. Chỉ vài nghìn đồng một bát nước chè đâm là có thể tỉnh táo làm việc hiệu quả. Ảnh: Hữu Vi. |
Thứ chè xanh sóng sánh, thơm dậy mùi, khi uống ban đầu hơi đắng chát, nhưng đọng lại sau cùng là vị ngọt nơi đầu lưỡi. Dư vị đặc trưng của thứ nước đặc sản làm nên nỗi nhớ cho bất kỳ ai từng được một lần thưởng thức.
Lê Thương