bagan nằm bên sông Ayeyarwady thơ mộng, nơi tập trung rất nhiều những ngôi chùa, đền và bảo tháp. Nó có diện tích khoảng 25 dặm vuông với hàng trăm đền chùa, tự viện. Những đền chùa này được xây dựng trong khoảng từ giữa thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13, trong thời kỳ chuyển tiếp từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Theravada.
Những đền chùa được xây dựng trong thời đại hoàng kim này đánh dấu sự khởi đầu của những truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar. Hiện nơi đây còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền chùa với 5 ngôi đền, chùa không nên bỏ qua khi đến nơi này là: Ananda Phaya, Dhamma Yangyi, Sulamani Pahto, Thatbyinnyu Pahto và đặc biệt là chùa vàng Shwezigon.
Bagan yên bình lắm. Đến Bagan phải thử đi xe ngựa và đạp xe đạp một lần để thả hồn vào những tiếng lộc cộc của vó ngựa, cảm giác lắc lư trên xe, hình ảnh bụi đất tung mù lên phía sau để đưa tâm hồn chìm vào cảm giác một thời oai hùng xa xưa của cố đô. Bagan chất chứa cả một lịch sử huy hoàng phía sau những lớp bụi đỏ mịt mờ. Đền chùa ở Bagan nhiều vô kể trải rộng khắp nơi, qua những thăng trầm thời gian cả ngàn năm vẫn còn đó. Bagan xinh đẹp khiến tôi mê mẩn cứ ở lại đó mà đạp xe đi lòng vòng không biết mệt. Có đi giữa những đền tháp này mới thấm thía được nỗi buồn cô quạnh theo thời gian của Bagan. Nếu như Angkor thể hiện nét tinh tế của mình ở đá và gạch, thì Bagan rực rỡ ở bụi mù và sự bao la nhưng cô tịch trên những bức tường tróc loang lổ qua thời gian. Bởi vậy, ai nói rằng thời gian không có màu?
Ở Bagan, các đền chùa còn giữ được hiện trạng rất tốt. Khí hậu ở Bagan khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn ở những nơi khí hậu ẩm. Những đền tháp được phục chế rất khéo léo, hòa hợp bằng kỹ thuật còn lạc hậu do chính bàn tay những người dân
myanmar làm. Với họ, công việc này không hẳn là phục chế lại một công trình do chính tổ tiên xây dựng từ xa xưa, mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo có thừa trong mỗi con người Myanmar. Nếu như được công nhận là di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến, du khách đến với Bagan nhiều hơn, thì những đền tháp này liệu có còn nguyên vẻ đẹp trầm mặc cô quạnh, những người dân nơi này có còn nguyên sự thật thà chất phác như vốn có hay không?
Trên mảnh đất cố đô, thời khắc được chú ý nhất có lẽ là bình minh và hoàng hôn. Không biết có phải vì bình minh và hoàng hôn là thời điểm linh thiêng nhất hay vì đó là thời điểm đẹp nhất để thả hồn lãng mạn, để nhìn ngắm và chụp ảnh. Muốn ngắm mặt trời nên đi từ tháng 11 đến tháng 3. Mùa này ít mây, còn lại mùa nắng với mây mù rất khó nhìn được mặt trời mọc và lặn.
Ba ngày ở Bagan tôi phải dậy từ 4 giờ sáng, ngoài trời 12 độ C và đạp xe gần 10km, leo tháp lúc trời còn tối thui. Loay hoay kiếm một góc có view đẹp để để đứng với hơn 500 khách trên tháp mỗi sáng. Sau vài tiếng chờ đợi trong cái lạnh co ro ,tôi đã được tận mắt ngắm nhìn những đền tháp cổ thức giấc cùng bình minh, đốt cháy mình trong nắng và cô đơn lạnh lẽo trong ánh chiều tà. Một cảnh tượng hết sức kì vĩ và đẹp đến choáng ngợp. Thật là không bõ công chờ đợi.
Từ Việt Nam, trung chuyển ở Bangkok, Kuala Lumpur, đã có các hãng hàng không giá rẻ bay đến Yangon, Mandalay để từ đó đi Bagan. Cũng có thể bay từ Yangon đến Bagan (từ 1,6 – 2 triệu đồng), hoặc đi xe buýt (từ Yangon khoảng 300.000 – 400.000đ, từ Mandalay khoảng 280.000đ), nhưng một trải nghiệm hết sức thú vị là đi tàu lửa, để như sống lại trên những chuyến tàu Thống Nhất xứ mình cũng chỉ mới năm nào (từ Yangon 100.000đ – 1 triệu đồng tuỳ ghế cứng hay giường deluxe, từ Mandalay chỉ 120.000đ). Thăm thú Bagan phổ biến nhất là xe ngựa (300.000đ/ngày), nhưng cũng có thể bằng xe hơi, xe đạp điện, bằng thuyền và bằng cả cách thú vị nhất, đắt đỏ nhất – khinh khí cầu, chỉ mới có mấy năm gần đây (6,4 – 7 triệu đồng/người/lượt). Các khinh khí cầu này cũng chỉ hoạt động vào mùa khô, mùa thăm viếng Bagan đẹp nhất, từ tháng 10 – 4.
Thái Hoãn - TGTT
Khánh Bằng