Trong quá trình khai thiên lập địa, tổ tiên của chúng ta đã di chuyển đến nhiều vùng đất khác nhau, mang theo phong tục tập quán đi khắp nơi. Bởi vậy, có thể nói các quốc gia châu á có mối liên hệ mật thiết kể từ thời cổ đại, từ đó ảnh hưởng nhau về văn hóa, tín ngưỡng cũng như phong cách kiến trúc.
Có lẽ vì lí do đó mà khắp châu Á, có những địa danh giống nhau đến lạ lùng.
1. Hội An, Việt Nam
Là một khu phố cổ nức tiếng gần xa, làm say đắm biết bao du khách nước ngoài nhờ vẻ cổ kính mà đằm thắm. Phố cổ Hội An còn là một di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận.
Hội An tuyệt đẹp qua mọi góc nhìn. (Ảnh: vietnguyen)
Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỉ 16, thời kì Việt Nam nằm dưới sự trị vì của nhà Lê. Từng là một thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á, không quá ngạc nhiên khi mảnh đất có lịch sử lâu đời này cũng chính là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa như Chăm Pa, Hoa, Pháp,…
Nét duyên dáng của Hội An nằm ở những ngôi nhà cổ có tuổi trên 300 năm với bố cục kiến trúc và kiểu thức xây dựng từ thế kỉ XVI, XVII… vẫn còn được giữ nguyên dạng. Đây là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Có nguyên liệu gần gũi với người dân Việt như gỗ, gạch, ngói, đá, qua đôi bàn tay của những người thợ xây gốc Quảng, những "ngôi nhà đèn lồng" này khiến du khách cảm nhận trọn vẹn sự bình dị mà khoáng đạt của người Việt, cũng có người nhận xét ở một góc nào đó, khu phố cổ nhìn giống bối cảnh trong bộ phim cổ trang.
Những con đường nhỏ hẹp và hiền hòa nằm giữa hai dãy nhà cổ kính, duyên dáng. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, kiến trúc của một số công trình ở Hội An còn ảnh hưởng phong cách Pháp. Những ngôi nhà mang phong cách thuộc địa xuất hiện nhiều và tập trung trên một tuyến phố. Sự đan xen phong cách kiến trúc Pháp giữa những ngôi nhà cổ truyến thống là hệ quả của một lối sống phương Tây đã xuất hiện trong đời sống của cư dân Hội An. Các công trình thời kì này giữ được vẻ hài hòa trong ngôn ngữ kiến trúc, mềm dẻo trong trang trí, phù hợp với không gian đô thị, mang lại cho Hội An một dáng vẻ mới.
Chiếc cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An ngày nay là Chùa Cầu, còn có tên gọi khác là Cầu Nhật Bản. Trải qua rất nhiều lần trùng tu, hình dáng cây cầu đã bị thay đổi nhiều, dáng vẻ ngày nay được hình thành trong những lần sửa chữa vào thế kỉ 18 và 19. (Ảnh: Internet)
Những con đường nhỏ hẹp và hiền hòa nằm giữa hai dãy nhà cổ kính, duyên dáng; đêm về, con sông chợt sáng lên dưới những ngọn đèn lồng lấp lánh đã tạo nên vẻ đẹp cuốn hút, khó thể nào phai nhòa trong tâm trí mỗi người.
2. Malacca, Malaysia
Cũng là một thành phố cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thành phố Malacca còn được ưu ái mệnh danh là “Venice của châu Á” bởi dòng sông êm đềm, những ngôi nhà cổ, kiến trúc độc đáo và không gian yên bình.
“Venice của châu Á” mang vẻ đẹp dịu dàng, yên ả. (Ảnh: Internet)
Tuy chỉ cách thủ đô Kuala Lumpur 150km về phía nam nhưng thành phố Malacca (hay Melaka) hoàn toàn mang lại cho du khách một trải nghiệm và không gian hoàn toàn khác biệt. Thời gian như giãn ra, nhịp sống như chậm lại, Malacca không vồn vã, náo nhiệt như Kuala Lumpur nhưng vẫn khiến biết bao người tìm đến.
Malacca về đêm lung linh huyền ảo. (Ảnh: Internet)
Đến với Malacca, sẽ có lúc du khách có cảm giác như đang lạc trong một góc nhỏ của nước Anh, để rồi lại ngạc nhiên trước những công trình kiến trúc đậm chất Trung Hoa nhưng đâu đó vẫn mang dáng dấp phong cách Malaysia xen lẫn chút Ấn Độ. Bởi nơi đây từng là vùng đất thuộc địa của Anh, đồng thời là nơi người Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ chung sống.
Malacca còn mang nét quyến rũ của sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa từ Á sang Âu. (Ảnh: Internet)
Ban ngày, nếu thả bộ trên con đường Jonker – con đường xương sống quanh khu phố Tàu, những ngôi nhà cổ mộc mạc với mái ngói rêu phong, cây cột gỗ, lớp sơn nhuốm màu thời gian cùng mái vòm cong cong của các ngôi chùa sẽ làm bạn bỗng chốc nhung nhớ Hội An.
Một góc nhỏ của Malacca và không khác Hội An là bao. (Ảnh: Internet)
Và khi màn đêm buông xuống, bờ sông Malacca ngập tràn sắc đỏ của đèn lồng và các phụ kiện trang trí. Ánh đèn lung linh phản chiếu xuống dòng sông êm đềm bên dưới, thật không khác gì một buổi tối thanh bình điển hình ở phố cổ Hội An.
3. Tongli, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Có tuổi thọ hơn 1.000 năm, phố cổ Tongli xứng đáng được gọi là anh cả trong số 6 địa điểm trong danh sách này. Nằm ở bờ tây của hồ Taihu, cách thành phố Tô Châu 18km, Tongli thật sự là một điểm du lịch phù hợp cho một chuyến nghỉ dưỡng thanh tịnh và mang đến trải nghiệm văn hóa đậm chất Trung Hoa.
Có tuổi thọ hơn 1.000 năm, phố cổ Tongli xứng đáng được gọi là anh cả trong số 6 địa điểm trong danh sách này. (Ảnh: Internet)
Là một thành phố cổ với bề dày văn hóa, kể từ thời nhà Minh, Tongli đã là nơi tập trung đông đảo của các nhà thơ, họa sĩ, nhà Nho học và quan lại triều đình. Những người này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của triều đại nhà Minh, do đó tên của họ được dùng để đặt cho nhiều con đường ở đây.
Sương sớm phủ mờ Tongli. (Ảnh: Internet)
Đi bộ dọc theo những con phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo của Tongli, ánh nắng ban mai nhẹ nhàng len qua lớp sương mỏng như tỏa lên từ con sông xanh quyến rũ cạnh đó, sẽ tạm đưa du khách đến một thế giới khác. Đặc biệt, 3 cây cầu Taiping, Jili và Changqing bắc qua con sông chính ở đây đều khiến những ai từng có dịp ghé thăm Hội An chợt bồi bồi liên tưởng ngay đến Chùa Cầu.
Tongli - viên ngọc quý vô giá, sáng lấp lánh theo thời gian. (Ảnh: Internet)
Được xây dựng dọc theo bờ sông, những ngôi nhà cổ ở Tongli mang nét đặc trưng bởi phần mái hiên thoai thoải, cửa sổ chạm khắc, đồ nội thất bằng sứ, tường gạch đất sét, khu vườn thoáng đãng và cầu thang nhỏ. Tất cả đều góp phần biến Tongli thành một viên ngọc quý vô giá, sáng lấp lánh theo thời gian.
4. Phố Yuehe, Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc
Gia Hưng từng là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nhất của Trung Quốc trong suốt 1700 năm. Đến ngày nay, cơ sở hạ tầng ở đây đã được nâng cấp rất nhiều, nơi này vẫn thu hút một lượng khách du lịch đổ về mỗi năm bởi con phố cổ Yuehe hữu tình.
Phố cổ Yuehe cách Thượng Hải không xa là điểm dừng chân lí tưởng cho các gia đình vào mỗi cuối tuần. (Ảnh: Internet)
Được trùng tu và tận dụng để kinh doanh, khu phố có tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông này giờ đây tấp nập những nhà hàng, hiệu trà, cửa hàng thủ công, đồ cổ và chợ hoa. Kiến trúc của phố Yuehe vẫn giữ được nét riêng từ thời xa xưa với những tường gạch màu xám, mái ngói và những ô cửa sổ bằng gỗ hình dạng lưới. Bước vào bên trong, sàn và mái hiên trần cũng được làm từ gỗ.
Kiến trúc của phố Yuehe vẫn giữ được nét riêng từ thời xa xưa. (Ảnh: Internet)
Vào ban ngày, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự giống nhau của kiến trúc phố Yuehe với những khu phố cổ kể trên nhờ vào phần ban công gỗ được xây thấp, những cây cột gỗ trong và phía trước nhà không lẫn vào đâu được. Khi đêm về, những ngọn đèn lồng lung linh dệt ánh sáng lên dòng sông có lẽ là một điểm chung không thể thiếu của các khu phố cổ này, không chỉ riêng gì Yuehe.
5. Phố cổ Tân Xương, Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc
Là thành phố cổ bên bờ sông cuối cùng ở Thượng Hải, Tân Xương thu hút du khách bởi chính lối kiến trúc truyền thống và nếp sống được lưu giữ từ xa xưa. Hơn 55% công trình kiến trúc ở đây được xây dựng từ thời nhà Minh, thời nhà Thanh và thời Trung Hoa Dân Quốc vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Tân Xương khoe sắc trong nắng sớm. (Ảnh: Internet)
Tọa lạc ở quận Naihui của Thượng Hải, phố cổ Tân Xương nằm giữa trung tâm thành phố và sân bay quốc tế Phố Đông. Nếu bạn đã từng mê đắm từng thước phim đẹp lung linh trong bộ phim “Sắc, giới” thì đừng bỏ qua Tân Xương, bởi nơi này là bối cảnh chính cho bộ phim.
Cũng giống như Hội An, một điểm nhấn của phố cổ này là những con sông êm đềm chạy uốn quanh, luồn nhẹ dưới những cây cầu đá chạm khắc tinh xảo. Những ngôi nhà cổ kính biết bao năm tháng đứng thinh lặng bên bờ sông, nhìn xuống bờ kè đá hoặc bậc cầu thang nhỏ nhắn dẫn xuống sông.
Nếu bạn đã từng mê đắm từng thước phim đẹp lung linh trong bộ phim “Sắc, giới” thì đừng bỏ qua Tân Xương, bởi nơi này là bối cảnh chính cho bộ phim. (Ảnh: Internet)
Một ngày lang thang ở Tân Xương, bạn sẽ hoàn toàn bị chinh phục bởi những ngôi chùa nhỏ xinh, bảo tàng nhạc cụ dân tộc, phòng tranh sơn dầu và cả những ngôi nhà có niên đại từ rất lâu nữa.
6. Fengjing, Thượng Hải, Trung Quốc
Nằm cuối cùng trong danh sách là phố cổ Fengjing ở huyện Jinshan, Thượng Hải, Trung Quốc. Tuy nhiên, Fengjing bao gồm 3 khu khác nhau: phố cổ Fengjing, khu đô thị mới Fengjing theo phong cách Canada và khu công nghiệp.
Phố cổ Fengjing - niềm tự hào của Thượng Hải. (Ảnh: Internet)
Phố cổ Fengjing là một vùng đất bên bờ sông có niên đại từ thời nhà Nguyên. Nơi đây nổi tiếng bởi những cây cầu đá cổ xưa như cầu Ba. Fengjing thực chất là một khu nông nghiệp, và ngày nay nổi tiếng với tên gọi “khu nghệ thuật nông dân” bởi những người nông dân cùng các họa sĩ đều có thể vẽ tranh và bán chúng.
Đặc biệt, vào ban đêm, hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ treo trên các tòa nhà dọc hai bờ kênh phát ra thứ ánh sáng ấm áp và giống Hội An đến không ngờ. (Ảnh: Internet)
Kênh rạch chằng chịt là một điểm thu hút của Fengjing. Đặc biệt, vào ban đêm, hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ treo trên các tòa nhà dọc hai bờ kênh phát ra thứ ánh sáng ấm áp và giống Hội An đến không ngờ. Ánh đèn chiếu sáng, phản chiếu lên những tường sơn trắng, hắt lên vùng nước tối thật sự là một hình ảnh đẹp, đáng nhớ, nhất là khi bạn ngồi trên một chiếc thuyền và thư thả trôi dọc theo dòng nước.