Ở vùng rừng ngập mặn ven biển trà vinh , sản vật tự nhiên sinh sôi phát triển rất mạnh mẽ. Người dân khai thác và chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, đậm vị quê nhà. Nhiều món ăn còn trở nên quen thuộc, gắn liền với bữa cơm gia đình người bản xứ.
Đuông chà là chiên
Chà là gai là loại thực vật hoang dã đặc trưng của những dãy rừng ngập mặn ven biển Trà Vinh. Cuối mùa mưa, các loại bọ cánh cứng chọn “củ hủ” cây chà là để đẻ trứng, khi trứng nở thành ấu trùng gọi là con đuông. Người dân ở đây thường khai thác con đuông khi nó to hơn ngón tay cái. Khi chế biến, đuông sẽ được ngâm trong thau nước muối khoảng một giờ để cho nhả hết chất thải sau đó vớt ra rổ để ráo nước.
Đuông chà là chiên bơ béo vàng, thơm ngậy. Ảnh: MienTay |
Dầu để lửa già cho thật sôi và thả con đuông vào. Đuông thu mình lại, căng phồng da và vàng rộp. Đuông chà là chiên ăn kèm rau sống, chấm muối tiêu chanh rất ngon và bùi giòn. Món này thường được dùng để làm đồ nhắm rượu.
đuông đất xào sả ớt
Trứng bọ rầy đẻ trong đất khi thành ấu trùng gọi là đuông đất. Loại này được đào bắt vào tháng 9, 10 âm lịch, khi chúng đã chuyển thành nhộng. Khi chế biến người ta cắt bỏ cặp nanh cứng, chân và ngâm rửa cho thật sạch, sau đó xào sơ và đổ ra rổ. Tỏi phi thơm và cho đuông vào xào lượt hai, khi đuông chín thì cho sả ớt băm nhuyễn vào đảo đều tay, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Mùi thơm của sả ớt hòa trong con đuông dai béo tạo nên vị ngon khó cưỡng đối với thực khách. Đuông xào thường ăn kèm đậu rồng non hay rau sống chấm mắm tép.
cá kèo kho chấm mắm rươi
Cá kèo kho là món ăn ưa thích của nhiều người bởi cá kèo không tanh, thịt thơm mềm và béo. Cá kèo sau khi làm sạch sẽ cho vào nước mắm kho lạt, sau đó rắc thêm rau răm nhuyễn, rau cần hay cà chua. Còn mắm rươi vàng óng như nước trà đặc, sẽ được cho thêm vài lát ớt. Cá kèo gắp ra nguyên con chấm ngập trong chén mắm rươi vàng. Vị béo của cá hòa cùng vị mặn của mắm, cay của ớt, thơm của rau làm nên mùi vị đặc biệt, hấp dẫn khi ăn với cơm trắng lẫn dùng nhắm rượu.
Cá kèo kho rau răm chấm kèm mắm rươi ăn rất đưa cơm. Ảnh: Lan Thoa |
ba khía muối
Ba khía sau khi được làm sạch sẽ chất vào lu, một lớp muối rồi đến một lớp ba khía, khoảng hai tuần là có thể ăn được. Ba khía muối thường phải trộn thêm khế, khóm, đường, tỏi, ớt để khử bớt vị mặn. Ba khía trộn khi ngấm hết các gia vị sẽ có vị nồng mặn và ngọt dùng ăn với cơm. Nhiều nhà trộn sẵn ba khía và để trong tủ lạnh để dùng ăn dần. Ba khía ngon nhưng nhiều người ăn không quen sẽ rất dễ bị mẩn ngứa.
Ba khía muối sau khi lấy ra khỏi lu sẽ tách rời các chân và càng sau đó trộn khóm. Ảnh: lamchame |
Lan Thoa