Visa là công cụ khuyến khích phát triển du lịch của các nước, và đó cũng là lý do Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore miễn visa cho 49 đến 180 nước, trong đó có hàng chục nước miễn đơn phương.
Việt Nam từ tháng 7 mới chính thức miễn visa thêm cho 5 quốc gia ở Tây Âu và Belarus, nâng tổng số lên 22 nước. Đây là một điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch, nhưng theo ý kiến của ông Lương Hoài Nam, Tổng Công ty Cổ phần Hải Âu, việc miễn visa này đã "kê đúng đơn nhưng chưa đủ liều" bởi vẫn còn hai điều đáng tiếc.
Thứ nhất nằm ở hạn chế thời gian nhập cảnh 15 ngày. "Người châu Âu thường đi du lịch 3 tuần trong kỳ nghỉ hè. Với việc hạn chế này, chúng ta tuột mất cơ hội giữ chân họ ở lại lâu hơn", ông Lương Hoài Nam nói.
Thứ hai là hiệu lực của chính sách này chỉ kéo dài đến 30/6/2016, trong khi người châu Âu thường lên kế hoạch du lịch trước một năm. Do đó, dù đã miễn visa các công ty du lịch vẫn không thể lên chương trình quảng bá rầm rộ để thu hút khách từ thị trường này, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Trong khi đó, một năm chỉ có hai hội chợ du lịch quốc tế là ITB ở Đức vào tháng 3 và WTM ở Anh vào tháng 11. Đây là dịp để các công ty du lịch quảng bá và bán tour mới. "Nhưng chính sách visa mới lại gây khó khăn cho các công ty du lịch, vì sau đợt quảng bá tới đây không ai biết thời hạn miễn thị thực có được gia hạn hay không", ông Nam phân tích.
Chính sách miễn visa được đưa ra trong bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam giảm 13 tháng liên tiếp. Ảnh: vietnamplus |
Trước những vướng mắc trong việc áp dụng chính sách miễn visa mới, ông Vũ Thế Bình cho biết ngành du lịch sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến đóng góp và trình chính phủ để giải quyết những khó khăn.
Ông Nam đã đưa ra 4 đề xuất tại Hội thảo Phát triển du lịch trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Trước tiên là mở rộng danh sách miễn visa đơn phương với các nước thuộc EU, khối các quốc gia thành viên cũ của Liên Xô, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Tiếp đến là hoàn thiện chính sách visa on arrival, cấp thị thực ngay tại cửa khẩu. Thủ tục này được thực hiện ở Campuchia rất nhanh gọn. Ông Nam cũng kiến nghị triển khai chính sách transit visa , cho phép công dân nước ngoài có vé máy bay đến nước thứ 3 được ở lại 72 giờ mà không cần xin visa. Chính sách này cũng phát huy hiệu quả ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Cuối cùng là triển khai dịch vụ e-visa , xin và cấp thị thực điện tử qua mạng giống như các nước châu Âu.
Trước đây, Việt Nam từng xúc tiến chương trình hợp tác dùng một visa chung với Thái Lan, Campuchia mang tên "ba quốc gia, một điểm đến". Tức là khách du lịch chỉ cần một visa là có thể tới thăm 3 nước này. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 vừa qua, chỉ Thái Lan và Campuchia ký kết chương trình hợp tác visa.
Vy An