728 x 90

Lễ cầu ngư trên Phá Tam Giang

Lễ cầu ngư trên Phá Tam Giang
Dưới thời chúa Nguyễn, vùng phá Tam Giang từng là hiểm địa, vắng người lui tới: Sợ Truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang. Do có địa thế nối với sông Hương, nên mỗi khi ghe thuyền đi từ biển vào vùng...
CanhDep.net
Dưới thời chúa Nguyễn, vùng phá tam giang từng là hiểm địa, vắng người lui tới: Sợ Truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang. Do có địa thế nối với sông Hương, nên mỗi khi ghe thuyền đi từ biển vào vùng đầm phá, theo sông Hương lên kinh thành, cửa phá có dòng chảy xiết, luồn lạch biến đổi tạo thành sóng lớn gây đắm chìm tàu thuyền. Quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu sai người đào bới mở rộng cửa phá, cho nên sóng dữ mới không còn. Từ đó Phá Tam Giang trở thành một vùng bình yên, nơi mưu sinh trù phú của những cư dân tập trung trên đầm phá.
Lễ cầu ngư trên phá tam giang
 

Những cư dân quần tụ trên Phá Tam Giang được gọi là người thủy diện (người sống trên mặt nước), với tính cách lang bạt có sẵn đã biến những khu vực cư trú của họ trên đầm phá trở thành lãnh thổ khó xâm phạm. Xét về mặt hành chính, người thuỷ diện ngày xưa như những đứa con hoang, không được xã hội thừa nhận. Bởi trong xã hội phong kiến, với yếu tố trọng nông – dĩ nông vi bản – có nghĩa lấy nghề nông làm gốc, thì các nghề khác đều bị xem nhẹ, trong đó nghề ngư nghiệp còn được xem là nghề mạt hạng, sự nghiệt ngã của quan niệm ấy khiến người thuỷ diện thường bị xã hội coi khinh, miệt thị, bị cho là ăn bám, ký gửi, họ không được đăng ký hộ tịch, thậm chí khi chết không có đất để chôn.

Đến thời Tự Đức xuất hiện một người có nguồn gốc là cư dân thủy diện, học hành thi cử đỗ đạt, sau trở thành thượng thư, tên là Hoàng Hữu Thường, do là người thủy diện nên ông thương xót cư dân đồng cảnh ngộ với mình và cảm thấy một sự thiếu công bằng giữa nông và ngư, ông bàn triều đình biên chế toàn bộ người thủy diện ở vùng kinh sư thành một tổng, như một tổ chức đơn vị hành chính trên bộ, gọi là tổng võng nhi – nghĩa là con nhà chài lưới.

Căn cứ trên việc tụ cư khắp các lưu vực sông của tam giang, sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, tập hợp đổ ra Phá, biên chế toàn bộ các vạn trên đầm phá và 3 sông đó thành 13 làng, những khu vực vạn sống kế cận nhau người ta xây dựng tổ chức liên vạn gọi là làng trên mặt nước, làng thủy diện ra đời, các làng nằm trong biên chế tổng võng nhi, từ đó cư dân sông nước bắt đầu có đăng ký hộ tịch.

Với diện tích hơn 22.000 hecta, phá Tam Giang là nguồn cung cấp dồi dào các sản vật cho người thuỷ diện, những thuỷ điền được cắm cọc, phân lô rõ rệt với nò sáo – một lối đánh bắt hải sản từ xa xưa và đặc trưng của Phá Tam Giang vẫn còn nguyên vẹn và thấy rất rõ trong suốt hành trình lênh đênh theo người thuỷ diện trên đầm phá.
Lễ cầu ngư trên phá tam giang
 
Và để cầu khẩn cho một năm đánh bắt bội thu, từ xa xưa, cư dân thủy diện lưu giữ một lễ cầu ngư, nay thường diễn ra ở làng Ngư Mỹ Thạnh trên Phá Tam Giang. Từ sớm tinh mơ, cư dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh quần tụ ghe chài trên đầm phá, ngay trước đình làng để chuẩn bị cho lễ cúng. Phần lễ vật được ngư dân đóng góp đơn sơ, giản dị, bàn thờ chính được lập nên ngay trước đình làng, chia làm hai phần, bên là sơn thần, bên là thủy thần. Mâm cúng ở bàn thờ chính ngoài các lễ vật hoa trái, vàng mã, còn có một con cá đối (cúng thủy thần) và một con gà (cúng sơn thần), gửi gắm lời khấn nguyện mong thần thánh ban cho người thủy diện những lễ vật mà họ dâng lên bàn thờ trong lễ cúng.
Lễ cầu ngư trên phá tam giang
 
Lễ cầu ngư trên phá tam giang
 

Ở gian bếp của đình làng, cánh phụ nữ rộn ràng đồ xôi, luộc gà, chuẩn bị sắp mâm rượu để các vị bô lão của làng đại diện rước những lễ vật ấy bày biện ra trước bàn thờ chính trình lên thần linh và tổ tiên. Sau những lời khấn nguyện của người đại diện ở bàn thờ chính, người làng sắp thêm một mâm cúng khác, trên đó có bày đĩa khoai củ và một con cá giỏi, ông Đào Tốn – bô lão của làng Ngư Mỹ Thạnh giải thích: “Hàng năm trên đầm phá thường có những nạn nhân chết do tai nạn, bão lũ, có nhiều người không bà con thân thuộc, không ai lo cúng giỗ cho nên người làng lập bàn thờ cúng cho bộ áo, do chết dưới nước thì cúng con cá giỏi, còn đĩa khoai củ là cúng các đảng cô hồn trên Phá Tam Giang”.

Lễ cầu ngư diễn ra giản dị, đơn sơ, nhanh gọn, sau những lời cầu khẩn lên thần linh, sơn thần trên bàn thờ được đem hoá vàng, thuỷ thần được rước ra Phá Tam Giang trả về với đầm phá. Sau đó cả làng hội tụ nơi đình làng chia nhau những vật cúng ở bàn thờ chính, cùng nhau ăn bữa cỗ thân mật trước khi tiếp tục đời sống quen thuộc với ghe chài của mình để tìm về những sản vật đầm phá cho công cuộc mưu sinh thường ngày.
Lễ cầu ngư trên phá tam giang
 

Bên cạnh hệ thống nò sáo đã trở thành một đặc sản của vùng đầm phá, lễ cầu ngư của cư dân Phá Tam Giang cũng là một nét văn hóa thú vị, góp cho vẻ đẹp vùng đầm phá thêm phong phú và quyến rũ hơn. Ngày nay, Phá Tam Giang không chỉ là nơi cư trú riêng của cư dân đầm phá, mà còn là một địa danh du lịch trải nghiệm hấp dẫn với lữ khách phương xa.

Thiên An (TL TST Tourist)