Palermo là thủ phủ của Sicily. Trải qua lịch sử phát triển hơn 2.700 năm, thành phố này chứa đựng trong mình một vẻ đẹp cổ kính cũng như gia tài vô giá về kiến trúc, khảo cổ, văn hóa và lịch sử.
Thánh đường Monreale với các bức tranh ấn tượng làm từ vô vàn viên đá mosaic đầy màu sắc
Muốn nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Palermo, tôi len lỏi qua các lối đi nhỏ hẹp, nhiều bậc thang quanh co để lên tầng mái nơi có tháp chuông. Từ đây, phóng tầm mắt tôi đã có thể nhìn những mái nhà ngói đỏ nhấp nhô và một màu biển xanh bạt ngàn bao phủ chung quanh.
Sicily là hòn đảo lớn nhất trên Địa Trung Hải, còn được mệnh danh là đảo ngọc vì nước biển ở đây luôn có màu xanh ngọc bích. Sicily cũng là một trong những điểm đến phổ biến nhất ở châu Âu, có khí hậu gần như khí hậu nóng ẩm của miền nhiệt đới. Điều đó lý giải vì sao trên đảo có rất nhiều cây cọ, hoa giấy và cả hoa phượng đỏ rực. Tôi cũng rất thích khi biết Sicily là nơi cung cấp hơn một nửa sản lượng hạt pistachio (hạt dẻ cười) cho nước Ý để xuất khẩu và chế biến thực phẩm. Đây là loại hạt tôi yêu thích nhất trong các món: kem pistachio, dầu pistachio hay sốt pistachio pesto để nấu ăn.
Ở Sicily có nhiều đặc sản mà bạn có thể mua về làm quà như dầu ô-liu, sốt pesto, hoa quả, gia vị nấu ăn…
Rời Palermo, tôi đón xe lửa đến Céfalu, cách đó 70km về phía Bắc. Theo kế hoạch, tôi chỉ ở đây một ngày rồi thuê xe hơi lái vòng quanh đảo. Tuy nhiên, dự tính đó đã tan biến ngay khi tôi kéo va-li lăn trên những viên đá lát của ngôi làng Céfalu tìm đến khách sạn. Tôi quyết định ở đây hết năm ngày còn lại của hành trình vì đã “phải lòng” ngôi làng nhỏ xinh xắn và duyên dáng này. Ở đây có mọi thứ mà tôi luôn hằng mong ước cho một kỳ nghỉ lý tưởng: nắng vàng, biển xanh, các ngọn núi bao quanh, ngôi làng cổ và các công trình kiến trúc Phục hưng.
Toàn cảnh Teatro Greco, rạp hát cổ Hy Lạp được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VII trước Công nguyên
Ở Céfalu không có những khách sạn lớn. Người dân ở đây muốn giữ cho ngôi làng của mình giản dị nên chỉ đón tiếp du khách muốn thưởng thức kỳ nghỉ theo kiểu home-stay bằng những Bed & Breakfast mà thôi. Tôi may mắn chọn được một phòng nghỉ rất đẹp có ban-công hướng ra biển.
Kỳ nghỉ kéo dài một tuần của tôi ở Sicily có thể diễn tả là một la dolce vita thực sự. Cuộc sống tươi đẹp đó bắt đầu bằng bữa ăn sáng thơm ngát mùi cà-phê cappuccino và bánh mì ciabatta do một mamma Italia vui tính chuẩn bị. Sau bữa sáng, tôi chậm rãi thả bộ ra các bậc thang ở piazza Duomo ngồi ăn kem, nhìn ngắm mọi người qua lại. Ở Ý, piazza là quảng trường nằm giữa phố trung tâm, có nhà thờ, phố đi bộ, hàng quán, khu mua sắm…
Piazza Duomo ở Céfalu nhìn từ khách sạn nơi tác giả lưu trú
Từ Céfalu, mỗi ngày tôi lại khám phá các thành phố chung quanh bằng những chuyến đi ngắn. Chuyến đi khám phá núi lửa Etna là một trong những chuyến đi thú vị nhất. Núi lửa Etna nằm ở độ cao 3.329m so với mặt nước biển. Chuyến xe đưa nhóm du khách chúng tôi dừng ở độ cao khoảng 2.000m. Mặc cho gió lạnh buốt và thổi muốn tung người, chúng tôi vẫn thích thú leo thêm khoảng 500m nữa để khám phá những lỗ hổng tạo nên bởi nham thạch. Đây mới thực sự là lúc thử thách sức bền và khả năng chịu lạnh của mọi người vì ở độ cao hơn 2.000m, gió trên núi thổi rất mạnh và nhiệt độ lúc này chỉ còn khoảng 5ºC lạnh cóng.
Muốn đến Etna, bạn có thể khởi hành từ Céfalu. Giá tour một ngày, có hướng dẫn viên khoảng 2.000.000 đồng
Sicily từng bị cai trị bởi nhiều đế chế hùng mạnh: La Mã, Ả Rập, Hy Lạp, Normandy, Vandals… Do đó, ngày nay trên đảo còn sót lại rất nhiều công trình kiến trúc của các nền văn minh kể trên.
Nhà thờ St. Joseph trên quảng trường Piazza IX Aprile ở thành phố cổ Taormina
Tôi đến Taormina, nơi có công trình Tetro Greco, tức rạp hát kiểu Hy Lạp vào một buổi chiều ngập nắng. Teatro Greco có kiến trúc hình vòng tròn, đường kính 120m, ngày nay vẫn còn được sử dụng như một rạp hát ngoài trời cho các buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc ở Sicily. Thời tiết dễ chịu, tôi thích thú đi dạo và nhìn ngắm các con phố xinh xắn, có nhiều màu sắc sặc sỡ theo phong cách Địa Trung Hải ở Taormina.
Khác với Céfalu yên tĩnh, Taormina nhộn nhịp và có nhiều du khách tham quan hơn. Nếu yêu thích mua sắm, bạn không thể bỏ qua đường Corso Umberto. Chỉ dài khoảng 1km nhưng con phố này có đủ cửa hiệu của nhiều thương hiệu Ý nổi tiếng như Gucci, Prada, Salvatore Ferragamo, Dolce & Gabbana, Furla…
Nhà thiết kế tài ba Domenico Dolce là người đến từ đảo Sicily Chính vì thế, những shoot ảnh đẹp tuyệt vời của bộ sưu tập Dolce & Gabbana Xuân – Hè 2012 với ngôi sao Monica Bellucci (áo đen) đã được chụp tại ngôi làng Céfalu và Taormina
Khi ngồi viết những dòng này, dù đang ở rất xa Sicily nhưng trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ những con phố ở Taormina, âm thanh nhộn nhịp ở quảng trường Céfalu và cả vị béo ngậy thơm ngon của món mozzarella salad… Đối với tôi, những ngày nghỉ tuyệt vời ở Sicily đã trở thành một phần ký ức đẹp nhất, một cuộc sống tươi đẹp đúng nghĩa “la dolce vita”.
Mách bạn: Đến Sicily, ngoài kem, pizza và các loại pasta thông thường, bạn hãy nhớ thưởng thức các món: pasta alla Norma, Arancino, Gattò di patate, bánh Cassata hay briosche… Vài địa chỉ nhà hàng: Villa Antonio: Via Luigi Pirandello, 88, Taormina, Sicily; Ristorante Da Nino: Lungomare Giardina 7-11, Céfalu, Sicily.
(*) Trong tiếng Ý, “la dolce vita” có nghĩa là cuộc sống tươi đẹp, ngọt ngào như một viên kẹo đáng yêu.
Theo BazaarVN