728 x 90

Huyền thoại về ngôi đền dang dở Dhammayangyi

Huyền thoại về ngôi đền dang dở Dhammayangyi
Tuy chưa hoàn thành nhưng Dhammayangyi vẫn sừng sững với thời gian và không gian Bagan, chứa đựng nhiều bí ẩn và những tiếng thì thầm hối lỗi.
CanhDep.net

Ngày nay, Bộ khảo cổ myanmar đã lên danh sách hơn 2.000 phế tích đền tháp nằm trong diện bảo tồn rộng 42 km2. Đây không chỉ là những công trình quý giá dành cho du khách quốc tế mà còn là nơi để nghiên cứu về lịch sử phát triển của văn hóa, xã hội, chính trị liên quan đến Phật giáo, đạo quốc của đất nước này. Một trong số đó là ngôi đền lớn nhất Bagan, dù công trình này đã bị bỏ dở sau ba năm thực hiện - Dhammayangyi.

Huyền thoại về ngôi đền dang dở dhammayangyi

Dền Dhammayangyi, to lớn và dở dang.

Người Myanmar ví von khi đặt chân đến Bagan rằng, muốn thấy sự duyên dáng hãy đến đền Ananda, muốn thấy sự cao cả thì đến đền Thatbyinniu, còn nếu muốn thấy sự hoành tráng thì ghé đền Dhammayangyi.

Ngôi đền dhammayangyi bằng gạch nung giữa quần thể bagan cổ nổi tiếng với hình dáng là một chiếc kim tự tháp to lớn, đồ sộ, lấn át mọi công trình khác. Và mô hình kim tự tháp này cũng hoàn toàn khác với những đền tháp truyền thống của Phật giáo Myanmar, thường là hình stupa với tháp nhọn vút lên trời. Cho đến ngày nay, người Myanmar vẫn chưa có lời giải thích vì sao vua Narathu lại chọn kiểu kiến trúc này.

Được vua Narathu xây dựng năm năm 1170, đền Dhammayangyi có dáng kim tự tháp sáu tầng bậc thang. Nhưng Dhammayangyi vẫn có lối kiến trúc tứ diện phổ biến ở các đền chùa Myanmar với bốn cửa quay về bốn hướng. Về nội thất, đền có hệ thống hành lang kép chạy song song trụ đền thờ ở trung tâm. Nhiều hệ thống cửa sổ nhỏ bằng gạch đón ánh sáng trời từ bốn phía rọi vào hành lang bao quanh đền.

Việc xếp gạch tạo nên hệ thống mái vòm phía trên hành lang quanh đền chứng minh trình độ của người xưa rất cao. Mỗi cửa chính ngôi đền là những pho đại tượng Phật với nhiều kiểu dáng khác nhau được dát vàng hoặc sơn màu. Trên bờ tường của hành lang quanh đền còn có nhiều hốc, bệ được đặt các bức tượng Phật nhỏ hơn.

Nền khu đền rộng đến 78 m, trong khi độ rộng của lõi trung tâm đền lên đến 25 m được nối liền nhau bằng hệ thống hành lang rộng với những mái vòm và hệ thống cửa giả.

Huyền thoại về ngôi đền dang dở dhammayangyi

Cổng đền Dhammayangyi.

Theo một số tư liệu ở Bagan, tuy chưa bao giờ hoàn tất nhưng đền Dhammayangyi đã tốn ước chừng hơn 6 triệu viên gạch nung, chưa kể đến hệ thống đá làm nền cho công trình đồ sộ này.

Có lẽ, vua Narathu không thể ngờ rằng công trình vĩ đại hứa hẹn nhiều bất ngờ này lại không bao giờ hoàn tất. Ba năm sau khi lên ngôi, ông đã bị sát hại. Công trình cũng bị ngừng thi công rồi bỏ hoang từ đó. Nhưng đây vẫn là một đại diện độc đáo trong quần thể Bagan cổ cũng như lịch sử phát triển hệ thống đền tháp tại khu vực này.

Huyền thoại kể rằng vua Narathu đã giết cha và anh trai để chiếm ngôi. Nhưng khi lên ngôi, có lẽ vì lo tạo nghiệp xấu nên ông đã cho xây đền cúng dường cho Phật. Trong đó, một cửa đền có 2 bức tượng Phật, được ông thực hiện, tác tạo như hiện thân của cha và anh trai. Nhưng có sách giải thích đây là hai đức phật: Phật Thích ca và Phật Di lặc. Người dân Myanmar vẫn truyền tai nhau, vua Narathu rất hà khắc, ông sẵn sàng chặt tay bất cứ nhân công nào nếu công việc xây dựng đền không hoàn hảo, các viên gạch phải được đặt khít vào nhau đến mức một cây ghim không thể xiên qua.

Khi khai quật ngôi đền, các nhà khảo cổ phát hiện, gạch đất bị chất đầy hành lang cũng đồng nhất với gạch đất dùng xây dựng đền. Chính vì vậy mà người ta tin các công nhân đã ném gạch vữa vào trong đền vì căm phẫn luật lệ hà khắc của vua Narathu. Nhiều người lại cho rằng họ muốn nhốn hồn ma của ông mãi mãi ở bên trong đền để trả thù những đau khổ ông đã gây ra.

Huyền thoại về ngôi đền dang dở dhammayangyi

Một góc ngôi đền được xây với 6 triệu viên gạch đất nung

Nếu một lần đặt những bước chân trần trên hành lang mát lạnh, im lặng đi quanh đền, bạn sẽ dễ hiểu tại sao sự vĩ đại và huyền bí của Dhammayangyi hàng trăm năm qua vẫn thu hút mọi người dù là một công trình dang dở.

Bài và ảnh: Kim Dung