728 x 90

Hội An - hồn xưa phố cổ

Hội An - hồn xưa phố cổ
Nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam, Phố cổ Hội An là một điển hình đặc biệt về thương cảng...
CanhDep.net

Nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam, Phố cổ hội an là một điển hình đặc biệt về thương cảng truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn suốt hàng trăm năm, dù trải qua biết bao nhiêu biến cố, và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999.

Độc đáo kiến trúc phố cổ Hội An

Xưa kia, Hội An đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia... biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Hội An từng nổi tiếng trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An…

Hội an - hồn xưa phố cổ

Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho ”cảng thị cơ khí trẻ” ở Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung – cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời.

Đặc trưng kiến trúc của Hội An là “phố xinh, nhà nhỏ, đường hẹp”. Nhà thường hình ống, một đến hai tầng, gồm 2 đến 5 gian, kết cấu khung gỗ quý, tường gạch chịu nước, có 3 chức năng là buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Giữa nhà chính và nhà phụ có giếng trời lát đá, bể nước, non bộ, cây cảnh... Không gian thờ cúng tuy chiếm diện tích nhỏ nhưng quan trọng, thường được đặt ở gác lửng hoặc tầng 2. Ngói lợp nhà làm bằng đất nung, mỏng, thô, bền, có hình vuông dạng cong, mỗi cạnh hơn 2 tấc. Khi lợp, từng hàng được lợp sấp ngửa, kiểu âm dương, cố định thêm bằng vữa, mang tính thẩm mỹ cao mà vẫn cứng cáp.

Khu Phố cổ Hội An chỉ rộng khoảng 2km2 nhưng mang đủ nét kiến trúc của một thương cảng hưng thịnh xa xưa, thể hiện rõ từ nhà cổ đến bến thuyền, giếng nước, chùa chiền, nhà thờ tộc, thương điếm, hội quán... Di sản thế giới này có 1360 di tích cổ gồm 1068 nhà, 11 giếng nước, 19 chùa, 38 nhà thờ tộc, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ và chùa Cầu.

Đến thăm Hội An, điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách chính là chùa Cầu - biểu tượng của Hội An. Đây là công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất ở Phố cổ Hội An. Chùa Cầu vốn được một thương nhân Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ thứ 17. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu khiến nó không thể quẫy đuôi gây ra những trận động đất. Cầu dài 18m, có mái che lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu, chân xây bằng gạch, phần thân cầu bằng gỗ sơn son được chạm trổ rất công phu, phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở được tạc bằng gỗ. Trên cửa chính của Chùa Cầu có tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều” (cầu bạn phương xa đến).

Kiến trúc Hội An là tổng hòa văn hóa của các nước từng giao thương nhưng chủ đạo vẫn là văn hóa Việt Nam. Mỗi công trình nơi đây đều là một chứng nhân, một bảo tàng sống động về lịch sử phát triển của Hội An.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững

Bên cạnh nét kiến trúc độc đáo, điều hấp dẫn du khách nhất lại chính là từ điều giản dị nhất. Đó chính là nụ cười của những người dân phố Hội. Dường như những xô bồ, ồn ào nơi phố thị không hề tồn tại trong tiềm thức người dân nơi đây. Hàng trăm năm qua, từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây gắn bó với phố Hội và trở thành một mảnh ghép không thể thiếu, tạo nên sự độc đáo riêng có của Hội An trong lòng du khách. Đằng sau nụ cười “rất Hội An” ấy là những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, các món ăn truyền thống… được lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ qua nhiều thế kỷ. Tình trạng đeo bám, chèo kéo, ép giá du khách rất hiếm gặp ở nơi đây. Ẩm thực đêm phố Hội rất biết cách khiêu khích vị giác của thực khách bằng đủ món đặc sản quen thuộc như: cao lầu, mỳ Quảng, bánh bao, bánh vạc, hoành thánh, chè bắp, bánh đập… hay đơn giản chỉ là bếp than hồng có ngô, khoai nướng... cũng đủ thơm lừng cả góc phố.

Đặc biệt, du khách tới Hội An sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp lãng mạn, sâu lắng và bình yên của phố cổ trong lễ hội hoa đăng. Nhằm bảo tồn nét đẹp di sản văn hóa này, người dân phố Hội ngừng sử dụng các thiết bị điện như tivi, radio, đèn đường, đèn neon vào mỗi đêm Rằm Âm lịch hằng tháng. Thay vào đó, toàn bộ khu phố cổ sẽ được khoác lên mình một lớp ánh sáng đa sắc, ấm áp phản chiếu từ những dải lụa màu qua các ô cửa kính và những chiếc đèn lồng giấy treo dọc con phố.

Trong đêm Rằm, được thả bộ giữa khu phố cổ với ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng thắp hai bên đường và lắng nghe giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo... vẳng lên từ con thuyền dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố... là những điều làm nên sức cuốn hút kỳ lạ của Hội An đối với du khách. Không quá trang nghiêm như Cố đô Huế, không quá sôi động như Chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn yêu lãng mạn của những ngày xa xưa.

Việc làm này không những bảo tồn được giá trị cổ, mà còn là cách làm du lịch độc đáo của người dân Hội An khi biết tận dụng khai thác tiềm năng sẵn có để hấp dẫn du khách. Cũng vì thế mà nơi đây luôn là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Xác định loại hình du lịch Hội An là du lịch văn hóa, các lễ hội truyền thống lớn nhỏ được lãnh đạo thành phố tổ chức hầu như quanh năm. Đặc biệt, có một số hoạt động văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu riêng của Hội An như: Lễ hội Hành trình Di sản, Lễ hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; nhất là việc tái hiện "Đêm Phố Cổ", “Phố không động cơ”… đã khiến cho Hội An càng thêm trầm mặc và huyền ảo. Bức tranh Hội An vì thế lại càng trung thành với không gian văn hóa cổ cách đây hơn 3 thế kỷ.

Với đường hướng phát triển du lịch đã được xác định rõ ràng, Hội An hôm nay và trong tương lai vẫn sẽ đi con đường tìm về với những giá trị xưa đích thực, là chốn ngưng đọng thời gian trong không gian cổ kính chân thực đang được lấp đầy theo từng ngày.

Theo tạp chí Quê Hương online