Ở Bali, ngay trên con đường từ sân bay Ngurah Rai về thị trấn Ubud, du khách sẽ ấn tượng bởi những tượng đài khổng lồ mô tả các nhân vật thần thoại trong pho sử thi. Đền đài hiện diện khắp nơi, từ những ngôi đền lớn đã tồn tại qua hàng thế kỷ đến các đền nhỏ trong góc phố hay nhà dân. Khi bước vào du khách đều được phát cho một chiếc xà rông dùng để quấn phần thân dưới. Nếu tham quan đúng lúc diễn ra nghi lễ truyền thống, du khách sẽ được phát thêm một dải ruy băng màu tím quấn ngang eo.
Đền Taman Ayun nằm ở làng Mengwi, cách trung tâm đảo khoảng 18km. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh. |
Đền Taman Ayun nằm ở làng Mengwi, cách trung tâm đảo khoảng 18km, được mệnh danh là "Ngôi đền trong công viên xanh". Đây là một trong những ngôi đền đẹp nhất với các cánh cửa gỗ chạm khắc tinh xảo, những tòa tháp uy nghiêm được cây cối phủ xanh và bao quanh bởi một hào nước vững chắc. Màu đen thẫm của mái lá cọ trên các tháp làm toát lên sự linh thiêng và huyền bí.
Đứng tại bất cứ đâu trong chuỗi bảy ngôi đền, du khách đều có thể thấy được đền Tanah Lot. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh. |
Ngôi đền linh thiêng ở Bali cần kể đến là Tanah Lot, cách trung tâm Denpasar khoảng 20km. Đây là một trong bảy ngôi đền nổi tiếng bên bờ biển Bali, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm. Đứng tại bất cứ đâu trong chuỗi bảy ngôi đền, du khách đều có thể thấy được đền Tanah Lot.
Sở dĩ đền Tanah Lot trở thành một phần của thần thoại Bali vì theo truyền thuyết, vào năm 1546, một tu sĩ Ấn Độ thông thái đã đến Bali. Khi đi ngang qua đây, ông thấy cảnh đẹp nên đã thuyết phục người dân dựng đền để truyền bá đạo Hindu. Từ đó, Tanah Lot trở thành một trong những điểm đến của các tín đồ đạo Hindu từ nhiều quốc gia.
Ngôi đền Tanah Lot được xây trên đỉnh của một hòn đá khổng lồ giữa bốn bề biển xanh, sóng vỗ rì rầm và cách bờ biển Pura Tanah Lot bởi một lối đi nhỏ. Khi thủy triều xuống, các tín đồ Hindu xếp hàng dài, bước trên những phiến đá tiến vào dâng lễ, những người ngoại đạo vào lễ cũng được phết lên tóc một ít nước thánh, đính lên trán những hạt gạo, cài lên tóc một bông sứ trắng.
Đền nước Ulun Daru nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh. |
Sẽ rất thiếu sót nếu đến Bali mà bạn không ghé thăm đền Ulun Danu, còn được gọi là "đền nước" do nổi trên mặt hồ thiêng Beratan, vốn là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Hồ Beratan là hồ nước rộng thứ hai ở Bali, sau hồ Batur, nhưng là hồ chính cung cấp nguồn nước cho những thửa ruộng bậc thang. Do thấu hiểu tầm quan trọng của hồ, Vua Mengwi đã xây dựng đền Ulun Danu vào năm 1633 để thờ nữ thần nước Dewi Danu.
Đền Ulun Danu nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Xe đưa du khách đi qua những thửa ruộng bậc thang trong những khu làng yên bình, qua các đoạn đường đèo khúc khuỷu để tới đền. Càng lên cao, không khí càng trong lành và cây cối hai bên đường xanh mát. Tiến vào bên trong đền, những làn sương giăng mờ ảo trên các đỉnh núi và phủ trên mặt hồ, làm cho cảnh quan giống như một bức tranh thủy mặc.
Đền Besakih còn gọi là ngôi đền Mẹ (Mother Temple). Ảnh: Phan Ngọc Hạnh. |
Ngôi đền cổ và linh thiêng nhất Bali là đền Besakih, hay còn gọi là ngôi đền Mẹ (Mother Temple). Điều thú vị là hầu hết các đền ở Bali đều hướng về ngôi đền Mẹ Besakih này. Besakih có tổng số 21 ngôi đền và nhiều điện thờ nhỏ nằm trên sườn núi phía nam Agung có tuổi thọ trên 100 năm. Ngọn núi này phun trào lần cuối vào năm 1963, dòng dung nham tràn quanh cách đền vài mét. Người dân Bali tin rằng các vị thần đã che chở cho ngôi đền thoát khỏi mối đe dọa đó.
Lên đến khu vực cao nhất của ngôi đền, hiện ra trước mắt là những lớp mái xếp chồng nhiều tầng đặc trưng. Màu đen của lá cọ cùng với màu rêu phủ đền in trên nền trời xanh biếc, vẽ thành bức tranh trầm mặc nhuốm màu thời gian. Đến đây, du khách sẽ cảm thấy thanh thản trước sự tĩnh lặng của không gian cũng như sự tôn nghiêm của đền.