728 x 90

Mì Quảng - Nốt trầm trong ‘bản nhạc’ ẩm thực đa sắc Sài Thành

Mì Quảng - Nốt trầm trong ‘bản nhạc’ ẩm thực đa sắc Sài Thành
Không ai biết mì Quảng có từ khi nào, chỉ biết đây là món ăn đặc sản của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi những người con xứ Quảng xa quê, họ đã mang theo món ăn của quê hương trong hành trang của mình, làm phương tiện mưu sinh trên bước đường lập nghiệp. Nằm trong nhà hàng sang trọng hay quán bình dân vỉa hè, mì Quảng vẫn thu hút đông thực khách nhờ hương vị thơm ngon của mình.
CanhDep.net
Sài Gòn là nơi hội tụ của rất nhiều món ăn ngon từ khắp các vùng miền, từ món nổi tiếng như: phở, bún bò Huế, cháo cá miền Tây, hủ tiếu Nam Vang... cho đến bình dị như bánh cam; bánh ít; bánh dày... Trong bức tranh ẩm thực đa sắc đó, món mì quảng như một nốt trầm lặng lẽ, mộc mạc như chính tính cách của người dân miền Trung, âm thầm chinh phục thực khách bằng hương vị thơm ngon của mình.
Mì quảng - nốt trầm trong bản nhạc ẩm thực đa sắc sài thành
Mì Quảng là món ăn bình dân đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước của người dân Quảng Nam. Ảnh: T.P.
Không ai biết mì Quảng có từ khi nào, chỉ biết đây là món ăn đặc sản của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi những người con xứ Quảng xa quê, họ đã mang theo món ăn của quê hương trong hành trang của mình, làm phương tiện mưu sinh trên bước đường lập nghiệp. Tuy chỉ là món ăn nhà quê nhưng mì Quảng chứa đựng trong nó sự tinh tế, hài hòa giữa sắc, hương và vị, nên những ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên được món ăn ngon miệng này.
Một bát mì Quảng đầy đủ gồm có sợi mì, nước dùng, phần tôm, thịt, rau sống, bánh tráng và dĩ nhiên không thể thiếu những trái ớt sừng cay xé lưỡi của vùng đất Quảng Nam đầy nắng gió. Hai thành phần quan trọng nhất của món ăn này là sợi mì và nước dùng. Để làm mì, người ta dùng gạo còn nguyên vỏ cám, đem ngâm rồi xay tay. Bột xay đem tráng thành bánh và cắt nhỏ bằng dao rất điệu nghệ, hiện nay người ta dùng máy cắt bánh nhanh và vệ sinh hơn. Do gạo còn vỏ cám nên màu sợi mì đục chứ không phải ngâm nước tro. Trong quá trình tráng rồi chấn mì, người ta bôi thêm dầu phụng (dầu lạc) để khỏi dính, vì vậy khi ăn có mùi dầu phụng rất béo.
Mì quảng - nốt trầm trong bản nhạc ẩm thực đa sắc sài thành
Sợi mì Quảng thường có hai màu trắng hoặc vàng. Ảnh: T.P.
Điểm đặc biệt nhất của món ăn này chính là nước dùng, không chan ngập mặt như bún bò hay bánh canh, nước dùng món ăn này sền sệt và chỉ vừa đủ thấm vào từng sợi mì, làm mềm rau sống ăn kèm. Để làm nước dùng, người dân thường ninh từ nước hầm xương, gà hoặc tép đồng, cua đồng giã nhuyễn... tùy theo bí quyết của từng quán mà có cách cho các nguyên liệu và gia vị khác nhau. Nhưng yêu cầu chung là nước dùng phải có màu vàng, sánh, đậm đà hơi béo cùng hương thơm nhẹ quyến rũ.
Mì quảng - nốt trầm trong bản nhạc ẩm thực đa sắc sài thành
Tùy theo từng quán mà mì Quảng được nấu với các nguyên liệu khác nhau như: tôm, sườn, trứng hay giò, gà... Ảnh: N.D.
Bát mì Quảng đầy đủ gồm có sợi mì, bên trên là tôm, sườn non, gà hoặc trứng cút tùy theo yêu cầu của người ăn... Ăn mì Quảng đúng điệu không thể thiếu đĩa rau sống xanh mướt với bắp chuối thái mỏng, húng quế, húng lủi, xà lách, giá và một quả ớt sừng. Chỉ chừng đó thôi nhưng mì Quảng luôn là món ăn hấp dẫn, ngon miệng đối với nhiều người. Riêng với những người con xứ Quảng xa quê, thì bát mì Quảng như chứa đựng cả một tình cảm quê hương trong nó nên họ luôn cảm thấy ấm lòng mỗi khi thưởng thức.
Dưới đây là những địa chỉ quán mì ngon ở Sài Gòn dành cho bạn:
- Mì Quảng vỉa hè - hẻm 85 Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3.
- Mì Quảng trong chợ Bà Hoa - đường Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình.
- Mì Quảng Mỹ Sơn - 262 Phan Xích Long, phường 12, quận Phú Nhuận.
- Mì Quảng - 225F Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1.
- Mì Quảng Sâm - 6 Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình.
Tiêu Phong