728 x 90

Đến Đình Bảng thăm đền Lý Bát Đế

Đến Đình Bảng thăm đền Lý Bát Đế
Đền Lý Bát Đề thờ tám vị vua triều Lý, một triều đại thịnh vượng kéo dài 214 năm trong lịch sử phong kiến nước ta. Vào tháng 2 năm Canh Tuất 1010, sau khi dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn đi...
CanhDep.net
Đền Lý Bát Đề thờ tám vị vua triều Lý, một triều đại thịnh vượng kéo dài 214 năm trong lịch sử phong kiến nước ta. Vào tháng 2 năm Canh Tuất 1010, sau khi dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn đi thuyền về thăm quê hương. Khi đến vùng này, nhà vua cho dừng thuyền rồng để thăm hỏi những vị cao niên, thăm mộ tổ tiên. Vì thế, người dân cho xây một ngôi đền nhỏ để nghênh đón nhà vua và để nhà vua có chỗ dừng chân nghỉ ngơi.
Đến đình bảng thăm đền lý bát đế
Cổ Pháp điện nơi đặt ngai thờ các vị vua Triều Lý. 
Đến đình bảng thăm đền lý bát đế
 Những chiếc lư, đỉnh bằng đồng có giá trị cao đặt ngoài sân đền.
Theo Thiền sư Vạn Hạnh, vùng đất này là nơi hội tụ thiên khí, nơi con sông Tiêu Tương uốn lượn chảy qua, quang cảnh hài hòa. Vì thế, sau khi vua cha băng hà vào năm 1028, vua Lý Thái Tông khi lên nối ngôi và nhân một lần về quê để làm giỗ cho cha vào năm 1030, đã cho xây dựng nơi này thành  một ngôi đền để thờ phụng vua cha.
Đến đình bảng thăm đền lý bát đế
 Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ
Sau này, Đền Đô nhiều lần được trùng tu sửa chữa và mở rộng thành khu thờ tự tất cả vua quan triều nhà Lý. Hiện nay, khu di tích này rộng hơn 30.000m2, hơn hai mươi hạng mục công trình giá trị bố trí thành hai khu: nội thành và ngoại thành. Từng hạng mục công trình từ lớn đến nhỏ đều được xây dựng công phu tỉ mỉ, chạm khắc tinh xảo, mang tính mỹ thuật và có giá trị văn hóa cao.
Đến đình bảng thăm đền lý bát đế
Gian thờ Lý Chiêu Hoàng

Khu nội thất có Cổ Pháp điện đặt ngai thờ, bài vị và tượng của tám vị vua nhà Lý. Ngoại thất có hồ bán nguyệt cùng với Thủy Đình, tương truyền ngày xưa là nơi biểu diễn múa rối nước cho vua quan trong triều thưởng ngoạn. Bên trái thờ các quan văn Tô Hiến Thành, Lý Đạo Thành, bên phải thờ các quan võ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc.

Cách đó không xa, là ngôi Đền thờ Vua Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý. Có lẽ vì trị vì trong thời gian ngắn, lại là vua nữ, sau đó nhường ngôi cho chồng, kết thúc triều đại nhà Lý, bà đã không được thờ chung với Đền Lý Bát Đế. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi. Tuy vậy, công lao và những sự hy sinh lớn lao của Vua Lý Chiêu Hoàng về tình riêng, để giữ yên quốc gia không rơi vào tình trạng rối ren, bị ngoại xâm dòm ngó, được người dân Việt rất kính trọng, biết ơn. Đền thờ của Vua Lý Chiêu Hoàng, nối với kiến trúc Đền Đô, trở thành một cụm di tích vô cùng giá trị.

Kiến trúc của Đền Đô là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian, tạo nên phong cách vừa lẫm liệt uy nghiêm, vừa nhẹ nhàng duyên dáng, vừa mạnh mẽ vững chải, vừa mềm mại uyển chuyển, cũng như gần gũi với cuộc sống người dân. Công trình này trải qua hơn nghìn năm vẫn được bảo tồn khá trọn vẹn, là biểu tượng của nét kiến trúc mỹ thuật đặc trưng dưới triều đại nhà Lý.

Đây là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật rất cao, có ý nghĩa lớn lao trong đời sống tâm linh của người Việt. Đây cũng là một điểm đến thú vị cho người du lịch, bởi ngoài việc hiểu thêm về lịch sử, thắp nén hương tưởng nhớ các vị tiền nhân, nơi đây còn là một không gian thoáng đãng hài hòa, một cùng mây nước hữu tình, yên ả, nơi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Bài và ảnh: Huỳnh Thu Dung