728 x 90

Các hãng thời trang ra tay cứu tàn tích ở Rome

Các hãng thời trang ra tay cứu tàn tích ở Rome
Đấu trường La Mã Colosseum hay đài phun nước Trevi nổi tiếng đều cần những khoản tiền lớn để trùng tu, bảo vệ trước sự bào mòn của thời gian.
CanhDep.net

italy không chỉ nổi tiếng bởi ẩm thực, thời trang, các băng nhóm mafia mà còn được biết đến là một trong những quốc gia sở hữu nhiều nhất số di sản được UNESCO công nhận trên thế giới. Một trong số đó là đấu trường la mã Colosseum, được xây dựng vào những năm 70 sau Công nguyên. Mỗi năm, đấu trường thu về khoảng 50 triệu USD tiền vé tham quan. Số tiền đó được dành để bảo tồn các di tích khác trong thành phố nhưng không đủ. Theo CNN, chỉ tính riêng năm 2014, Roma đã bị thâm hụt 1 tỷ USD và phải cầu cứu tới chính quyền liên bang.

Các hãng thời trang ra tay cứu tàn tích ở rome

Đấu trường Colosseum khi đêm về. Ảnh: Ariel.

Theo thời gian, những di tích tráng lệ ở Italy ngày một hư hỏng và cần một khoản tiền lớn đề trùng tu. Số tiền này dường như quá sức đối với chính quyền. Vì vậy họ phải tìm kiếm các "mạnh thường quân" để chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa đặc sắc này. "Theo tôi, việc này (bảo vệ di tích - PV) thuộc về trách nhiệm của toàn thể nhân loại", thị trưởng rome Ignazio Marino nói với CNN về vấn đề bảo tồn các di tích tại Italy.

Một trong những mạnh thường quân nổi tiếng giúp bảo tồn di tích ở Rome là Diego Della Valle - ông chủ của hãng giày da nổi tiếng Tod's. Trong 5 năm qua, vị doanh nhân thành đạt đã chi ra 34 triệu USD để trùng tu Colosseum. "Nếu Colosseum cần được phục hồi thì sẽ có chúng tôi ở đây. Khi đạt được thành công trong sự nghiệp, bạn cũng nên làm điều gì đó để nói lời cảm ơn tới Tổ quốc", Diego giải thích về lý do trở thành nhà tài trợ của mình.

Giống Tod's, hãng thời trang Frendi cũng chung tay trợ giúp chính quyền Italy trong việc nhận lời trùng tu đài phun nước Trevi, công trình được xây dựng vào năm 1723 dựa lưng vào một tòa lâu đài cổ. Nơi này từng là máng nước thời La Mã, dẫn nước suối trên núi về kinh thành phục vụ dân chúng. Ngày nay, nước ở trevi vẫn được coi là nguồn nước suối thiêng mà người dân gọi là Aqua Vergine. 

Các hãng thời trang ra tay cứu tàn tích ở rome

Đài phun nước Trevi. Ảnh: Famous.

Về đêm, đài phun nước Trevi càng trở nên tráng lệ hơn khi những ngọn đèn đường bật sáng, làm nổi bật hình ảnh của vị thần biển cả Neptune. Ước tính mỗi ngày có khoảng 3.000 euro được ném vào đài phun nước. Số tiền này được thu lại vào ban đêm và dùng để trợ cấp cho những người nghèo ở Rome.

Theo truyền thuyết, nếu bạn muốn quay trở lại thành Rome hãy ném một đồng xu xuống nước. Để đều ước thực sự linh nghiệm, bạn phải quay lưng lại và tung đồng xu bằng tay phải qua vai bên trái.

Ngoài hai hãng thời trang đình đám trên, nhiều nhãn hàng nổi tiếng cũng tham gia vào việc trùng cứu, cứu các di sản của Italy. Dù vậy, chính quyền nơi đây vẫn hy vọng nhận được các khoản tiền khổng lồ để có thể đưa các di tích về nguyên bản. Thị trưởng thành Rome từng có ý định kêu gọi tài trợ từ những ông hoàng giàu có ở Arab Saudi tuy nhiên con đường tìm kiếm các khoản tiền đầu tư đối với chính quyền nước này vẫn còn là một thử thách lớn.

Cách mua vé vào thăm đấu trường La Mã:

Colosseum mở cửa các ngày trong năm, trừ hai ngày 1/1 và 25/12. Vé vào cửa có thể mua trực tiếp qua các trang web hoặc tại văn phòng Palatine Hill (Via San Gregorio No.30) để tránh việc phải xếp hàng dài.

Mỗi tấm vé chỉ có giá trị trong hai ngày.

Địa chỉ đấu trường: phố Piazza del Colosseo

Đài phun nước Trevi nằm ở quảng trường cùng tên, gần bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps).

Anh Minh